Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của hệ tĩnh mạch chi dưới, do tăng áp lực tĩnh mạch mạn tính, gây suy các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/hoặc hệ tĩnh mạch sâu, có thể kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch hoặc không [1]. Đây là một bệnh lý rất thường gặp. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm 25-33% ở phụ nữ và 10 - 20% ở nam giới, tỷ lệ bệnh tăng dần theo tuổi. Theo nghiên cứu của Framingham, tần suất suy tĩnh mạch là 2,6%/năm ở nữ giới và 1,9%/năm ở nam giới [1]. Bệnh có thể gây ra những biến chứng như huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc động mạch phổi, loét chi,… làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống và tăng gánh nặng chi phí cho nền y tế.
1. Triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Triệu chứng của suy tĩnh mạch chi dưới bao gồm:
- Đau, tức nặng khi ngồi hoặc khi đứng, cảm giác bứt rứt, chuột rút (thường về đêm), triệu chứng giảm khi nâng cao chân hoặc đi tất áp lực.
- Ngứa, dị cảm ở chân.
- Sưng, mỏi vùng mắt cá chân.
- Phù chân, phù tăng lên về cuối ngày, khi đứng lâu hoặc ngồi bất động, không giảm phù khi ăn nhạt, giảm khi nâng cao chân hoặc đi tất áp lực.
Khám lâm sàng thường thấy các dấu hiệu:
- Giãn tĩnh mạch mạng nhện, dạng lưới.
- Các búi giãn tĩnh mạch nông dọc mặt trong đùi, cẳng chân (thuộc tĩnh mạch hiển lớn), mặt sau cẳng chân (thuộc tĩnh mạch hiển bé),...
- Phù chân.
- Thay đổi sắc tố da (chàm).
- Loạn dưỡng da, loét da,...
Phân loại CEAP dựa trên đặc điểm lâm sàng, nguyên nhân, đặc điểm giải phẫu, đặc điểm giải phẫu và sinh lý bệnh học chia suy tĩnh mạch chi dưới thành các mức độ từ C0-C6 [2]. Cụ thể:
Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp đánh giá suy tĩnh mạch chi dưới:
- Siêu âm Doppler mạch máu chi dưới: là phương tiện chẩn đoán không xâm nhập, an toàn, hiệu quả với độ tin cậy cao. Siêu âm giúp đánh giá được hệ tĩnh mạch nông và sâu, có thể phát hiện được các huyết khối trong lòng tĩnh mạch. Trên siêu âm Doppler mạch thường sẽ đánh giá: hình ảnh tĩnh mạch, khả năng đè ép, dòng chảy tĩnh mạch bao gồm cả đo thời gian dòng trào ngược và biện pháp làm tăng dòng chảy, thực hiện nghiệm pháp Valsalva [3], [4].
- Chụp tĩnh mạch cản quang: sử dụng trong chẩn đoán tắc/hẹp tĩnh mạch chậu, dị dạng mạch máu bẩm sinh, suy tĩnh mạch chi dưới tái phát hoặc hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch [1], [4].
- Cộng hưởng từ hoặc cắt lớp dựng hình tĩnh mạch: sử dụng trong chẩn đoán các bệnh lý suy tĩnh mạch vùng tiểu khung [1], [4].
- Siêu âm trong lòng mạch: chỉ định trong trường hợp đánh giá tắc nghẽn và chèn ép tĩnh mạch tầng chậu - chủ, dẫn đường cho can thiệp nong, đặt stent tĩnh mạch [1], [4].
2. Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới
2.1. Điều trị dự phòng, thay đổi lối sống
- Tránh đứng lâu hoặc ngồi bất động trong thời gian dài, tránh tư thế ngồi bắt chéo chân.
- Thường xuyên hoạt động thể chất, chơi thể thao.
- Giảm cân, tránh táo bón, tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho hồi lưu tĩnh mạch: nâng cao phía cuối giường ngủ khoảng 10cm, các bài tập vận động,...
2.2. Điều trị nội khoa
- Thuốc tăng cường trương lực tĩnh mạch (trợ tĩnh mạch): Diosmin, chỉ định cho mọi giai đoạn từ C0 đến C6, giúp cải thiện triệu chứng bệnh.
- Tất áp lực: điều trị và dự phòng suy tĩnh mạch chi dưới tiến triển nặng dần. Với mỗi mức độ suy tĩnh mạch sẽ có chỉ định mức áp lực cần duy trì cụ thể.
2.3. Can thiệp nội tĩnh mạch
- Tiêm xơ dưới hướng dẫn siêu âm: tiêm chất gây xơ vào trong lòng tĩnh mạch nông gây tổn thương nội mạc và thành phần lân cận của trung mạc từ đó làm tắc lòng tĩnh mạch bị suy [1].
- Can thiệp nhiệt nội tĩnh mạch bằng laser hoặc sóng radio cao tần: luồn dây dẫn năng lượng laser hoặc sóng radio cao tần (RF) vào trong lòng tĩnh mạch dưới hướng dẫn của siêu âm để gây tắc và xơ hoá tĩnh mạch bị suy giãn bằng năng lượng nhiệt. Phương pháp này được chứng minh có hiệu quả lâu dài không kém các phẫu thuật kinh điển nhưng biến chứng ít hơn, thời gian phục hồi và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cải thiện tốt hơn [1].
- Can thiệp nội tĩnh mạch bằng phương pháp hoá cơ học (MOCA): là một phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch không cần gây tê tại chỗ. Thiết bị được sử dụng trong phương pháp này có tên là Clarivein. Clarivein hoạt động dựa trên nguyên lý kết hợp giữa tác động cơ học và hóa học để loại bỏ tĩnh mạch mất chức năng. Trong quá trình điều trị, một catheter nhỏ được đưa vào bên trong tĩnh mạch. Đầu catheter có một dây kim loại đặc biệt có thể quay với tốc độ khoảng 3000 vòng/phút, gây tổn thương cho thành tĩnh mạch. Đồng thời, một dung dịch chất gây xơ được tiêm qua catheter, giúp tăng cường hiệu quả của quá trình “tiêu diệt” tĩnh mạch.
- Can thiệp nội tĩnh mạch bằng keo sinh học (Venaseal): là một phương pháp can thiệp mới. So sánh với các phương pháp phẫu thuật truyền thống, can thiệp nội mạch bằng keo sinh học ngày càng chứng tỏ được tính an toàn, cũng như hiệu quả về điều trị [4], [5]. Nguyên lý chung của phương pháp này là khi Cyanoacrylat (CA) tiếp xúc với máu hoặc huyết tương sẽ xảy ra quá trình polymer hóa, kích hoạt các phản ứng viêm và xơ hóa, gây phá hủy lớp nội mạc, co thắt và dày các sợi collagen của lớp trung-ngoại mạc, từ đó gây tắc và xơ hóa tĩnh mạch.
2.4. Điều trị ngoại khoa
- Phẫu thuật Stripping.
- Phẫu thuật CHIVA (Chirurgie vasculaire ambulatoire).
- Phẫu thuật Muller.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lâm sàng Tim mạch học. Nhà xuất bản Y Học (2019).
- The 2020 update of the CEAP classification system and reporting standards. J Vasc Surg Venous Lymphat Disord. 2020; 8:342-352.
- American College of Phlebology Guidelines for The Treatment of Superficial Venous Disease of The Lower Leg 2017.
- European Society for Vascular Surgery (ESVS) 2022 Clinical Practice Guidelines on the Management of Chronic Venous Disease of the Lower Limbs. De Maeseneer, Marianne G.ESVS Guidelines Committee, Document Reviewers, et al. European Journal of Vascular and Endovascular Surgery, Volume 63, Issue 2, 184 - 267.
- Jaghu Kolluri, Janice Chung, Sue Kim et al. Network meta-analysis to compare VenaSeal with other superficial venous therapies for chronic venous insufficiency. J Vasc Surg Venous Lymphat Disord. 2020;8(3):472-481.
BS. Lê Quang Hiếu; ThS.BS. Nguyễn Thị Hà – Khoa Nội Tổng hợp 1