logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

“Đau ngực”: có nên hoảng sợ?

Đau ngực là một trong những lý do phổ biến nhất khiến bệnh nhân phải đến khoa cấp cứu, chiếm hơn 7 triệu lượt khám cấp cứu hàng năm (1). Đây là một trong những tình trạng khó đánh giá nhất, góp phần gây quá tải ở đơn vị cấp cứu. Tại nhiều bệnh viện, nhiều nỗ lực đáng kể đã được thực hiện để hợp lý hóa và cải thiện quy trình đánh giá cơn đau ngực. Các cập nhật liên tục về chiến lược đánh giá và quản lý bệnh nhân có triệu chứng đau ngực đã làm giảm cả số lượng bệnh nhân cần nhập viện cũng như thời gian nằm viện.

Tuy nhiên hầu hết các cơn đau ngực không phải là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng. Một thách thức lớn tại các khoa cấp cứu là nhanh chóng xác định số lượng nhỏ bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành cấp tính hoặc các tình trạng đe dọa tính mạng khác trên một số lượng lớn những người mắc các tình trạng lành tính khác không phải là bệnh tim mạch (2,3).

Vì vậy điều quan trọng với bệnh nhân là phải chú ý và quan tâm đến “cơn đau ngực” của mình vì điều đó giúp mô tả một cách đầy đủ và chính xác các dấu hiệu quan trọng của nó như vị trí đau, kiểu đau, hướng lan, và các dấu hiệu khác đi kèm. Bất kỳ cơn đau ngực mới, nghiêm trọng hoặc dai dẳng nào cũng nên được thảo luận với bác sĩ đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi và có tiền sử bệnh tim hoặc phổi.

  1. Đặc điểm của cơn đau ngực cần được bệnh nhân mô tả lại một cách đầy đủ!

- Tính chất: bệnh nhân có thể đau âm ỉ, đau mơ hồ, đau nóng rát, đau như thắt lại, đau nhói, đau như xé, đau như bị dao đâm…

- Khởi phát: có thể xuất hiện đột ngột hoặc sau một nguyên nhân cụ thể (sau khi gắng sức, sau khi ho, sau khi ăn no, sau khi tập luyện nặng…).

- Vị trí đau: đau dọc sau xương ức, đau ngực trái, đau ngực phải, đau sát vùng thượng vị. Đau có thể lan lên vùng vai hai bên, lan lên nền cổ hoặc lan xuống bụng, đau xuyên ra sau lưng…

- Thời gian đau: đau có thể liên tục hoặc thành cơn, cơn có thể diễn ra vài giây, vài phút đến vài chục phút.

- Đau có thể tăng hoặc giảm khi thay đổi tư thế (nằm nghiên sang trái/phải). Một số bệnh nhân giảm đau khi nghỉ ngơi.

- Các triệu chứng kèm theo có thể gặp như ho, khạc đờm, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, sốt, ho máu… Các triệu chứng kèm theo giúp bác sĩ có thêm thông tin để chẩn đoán nguyên nhân đau ngực.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần đặc biệt cảnh giác với các cơn đau ngực nghi ngờ đến cơn đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành với các đặc điểm điển hình như sau (4):

- Vị trí:

  • Thường ở sau xương ức và là một vùng (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng…
  • Hay gặp hơn cả là hướng lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4, 5.

 - Hoàn cảnh xuất hiện:

  • Thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá và nhanh chóng giảm/ biến mất trong vòng vài phút khi các yếu tố trên giảm.
  • Cơn đau có thể xuất hiện tự nhiên. Một số trường hợp cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế, hoặc khi kèm cơn nhịp nhanh.

 - Tính chất:

  • Hầu hết các người bệnh mô tả cơn đau thắt ngực như thắt lại, bó nghẹt, hoặc bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá, bỏng rát.
  • Một số người bệnh có kèm theo khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi...

- Thời gian:

  • Thường kéo dài khoảng vài phút (3 - 5 phút), có thể dài hơn nhưng thường không quá 20 phút (nếu đau kéo dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ thì cần nghĩ đến cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim).
  • Những cơn đau xảy ra do xúc cảm thường kéo dài hơn là đau do gắng sức. Những cơn đau mà chỉ kéo dài dưới 1 phút thì nên tìm những nguyên nhân khác ngoài tim.

Hình 1: Sơ đồ các hướng lan của cơn đau thắt ngực do nguyên nhân mạch vành điển hình: Lan lên cổ, cằm, vai trái, mặt trong cánh tay trái hoặc sau lưng.

  1. Các nguyên nhân gây đau ngực

- Đau ngực do tổn thương hệ tim mạch (đây là tình huống đau ngực cần cấp cứu ngay lấp tức và xử trí kịp thời tại bệnh viện): nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng vành cấp, cơn đau thắt ngực ổn định, hội chứng động mạch chủ cấp (bóc tách thành động mạch chủ, huyết khối trong thành động mạch chủ, loét xuyên thành động mạch chủ), viêm cơ tim…

- Đau ngực do tổn thương hệ hô hấp: viêm phổi có tổn thương viêm màng phổi, tràn dịch khoang màng phổi, tràn khí khoang màng phổi, nhồi máu phổi, ung thư, lao phổi, lao màng phổi, viêm mủ màng phổi…

- Đau ngực do tổn thương hệ tiêu hoá: viêm dạ dày - thực quản trào ngược, ung thư thực quản, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản…

- Đau ngực do tổn thương thành ngực: chấn thương, viêm khớp ức đòn, viêm cơ, tiêu cơ vân vùng ngực…

- Đau ngực do tổn thương thần kinh: đau dây thần kinh liên sườn, zona thần kinh…

- Các nguyên nhân khác: u trung thất, rối loạn tâm thần kinh, u vú, viêm tuyến vú…

Bác sĩ Bệnh viện Giao thông vận tải siêu âm tim cho người bệnh.

  1. Một số xét nghiệm cần làm để tìm nguyên nhân đau ngực

Khi bệnh nhân được thăm khám tại bệnh viện, bên cạnh đánh giá các triệu chứng, các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm nhằm đánh giá chính xác hơn và tìm nguyên nhân đau ngực. Các xét nghiệm cận lâm sàng bệnh nhân được chỉ định (tuỳ vào đặc điểm đau ngực và các triệu chứng kèm theo) bao gồm:

- Điện tâm đồ: giúp chẩn đoán các nguyên nhân tim mạch như nhồi máu cơ tim…

- X-quang ngực: giúp đánh giá các nguyên nhân cơ xương khớp hay hô hấp.

- Đo độ bão hoà oxy trong máu: hỗ trợ đánh giá tình trạng hô hấp.

- Siêu âm tim: nhằm đánh giá chức năng tim, van tim, động mạch chủ.

- Xét nghiệm men tim: Troponin T hoặc I nhằm chẩn đoán nhồi máu cơ tim, hội chứng vành cấp, xét nghiệm Creatine kinase máu giúp đánh giá tổn thương cơ, cơ tim…

- Xét nghiệm D-dimer máu: hỗ trợ chẩn đoán nhồi máu phổi, hội chứng động mạch chủ cấp.

- Cắt lớp vi tính lồng ngực: giúp đánh giá cụ thể các cơ quan trong lồng ngực từ đó phát hiện các bệnh lý như ung thư, nhồi máu phổi, hội chứng động mạch chủ cấp...

- Nội soi dạ dày - thực quản: nhằm phát hiện các tổn thương hệ tiêu hoá như viêm dạ dày - thực quản trào ngược, ung thư thực quản…

- Các xét nghiệm khác: xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, chức năng thận, điện giải đồ,… nhằm đánh giá các bệnh đồng mắc và tiên lượng bệnh nhân.

Người bệnh chụp X-quang ngực. 

  1. Cần lưu ý gì khi xuất hiện triệu chứng đau ngực?

Trên thực tế, đặc điểm và tính chất cơn đau ngực phản ánh phần nào mức độ nguy hiểm của bệnh lý gây đau ngực. Nếu bệnh nhân đau nhói ngực thoáng qua vài giây thì hiếm khi là do những bệnh lý nguy hiểm; có thể nghĩ tới đau dây thần kinh liên sườn, đau sụn ức sườn, đau dạ dày... Đau tăng lên khi ấn vào vị trí đau hoặc sau khi hít vào sâu thường do căn nguyên thành ngực. Nếu đau kéo dài dai dẳng vài tuần hoặc kéo dài hơn nữa thì hay gặp nguyên nhân do căn nguyên thành ngực, đường tiêu hoá hoặc do ung thư.

Nếu cơn đau xuất hiện đột ngột, kéo dài vài phút đến hàng giờ, tái đi tái lại nhiều cơn trong thời gian ngắn, đau lan xuyên lên vai hoặc ra sau lưng, đó có thể là do hội chứng vành cấp, bóc tách thành động mạch chủ. Cơn đau đột ngột, dữ dội, đau như xé và diễn biến nhanh có thể do tràn khí khoang màng phổi…

Đặc biệt cần lưu ý tình trạng đau ngực đột ngột, dữ dội có kèm theo các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm cần cấp cứu tức thì như:

- Khó thở tăng dần

- Vã mồ hôi, tím tái

- Rối loạn huyết động: tăng huyết áp cấp cứu hoặc tụt huyết áp

- Rối loạn nhịp tim: nhịp nhanh hoặc nhịp chậm, nhịp tim không đều…

- Ho máu

- Rối loạn ý thức

Dù đau ngực do nguyên nhân nào đi nữa, bệnh nhân đều cần thăm khám cẩn thận tại bệnh viện hoặc phòng khám. Bệnh nhân nên nắm rõ các đặc điểm đau ngực của mình để đến bệnh viện kịp thời và mô tả cho các bác sỹ cấp cứu đầy đủ và chính xác tình trạng đau ngực của mình để có xử lý kịp thời và phù hợp.

Tại Bệnh viện Giao thông vận tải, với đội ngũ bác sỹ nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống cấp cứu đau ngực, cùng với đầy đủ các trang thiết bị như: xét nghiệm máu các men tim Troponin I hs, NT-ProBNP cho kết quả nhanh trong 1 giờ, máy ghi điện tim 6 cần cấp cứu tại giường, máy siêu âm tim Doppler cấp cứu tại giường, máy ghi Holter điện tâm đồ, máy chụp XQ kĩ thuật số, máy chụp cắt lớp vi tính…, có thể đáp ứng đầy đủ và ngay lập tức việc chẩn đoán và đánh giá nguyên nhân các cơn đau ngực một cách nhanh chóng, chính xác từ đó đưa ra tư vấn điều trị tối ưu nhất cho các bệnh nhân có triệu chứng đau ngực.

Tài liệu tham khảo

  1. Cairns C., Kang K., Santoc L."National Hospital Ambulatory Medical Care Survey: 2018 emergency department summary tables". U.S. Department of Health and Human Services, 2018.
  2. Lindsell C.J., Anantharaman V., Diercks D., et al."The Internet Tracking Registry of Acute Coronary Syndromes (ACS): a multicenter registry of patients with suspicion of acute coronary syndromes reported using the standardized reporting guidelines for emergency department chest pain studies". Ann Emerg Med . 2006;48:666-677.677.e661-669.
  3. Hsia R.Y., Hale Z., Tabas J.A."A national study of the prevalence of life-threatening diagnosesin patients with chestpain".JAMAInterMed.  2016;176:1029-1032.
  4. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Hội chứng mạch vành mạn. Quyết định số 2248/QĐ-BYT ngày 19 tháng 5 năm 2023.

BS. Lê Quang Hiếu – Khoa Nội tổng hợp 1

ThS. BS. Phùng Đức Thúy – Khoa Hồi sức tích cực

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận