logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

TIẾP CẬN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CHÓNG MẶT

1. Khái niệm

- Chóng mặt là một cảm giác về sự chuyển động không có thật của cơ thể hoặc môi trường xung quanh.

2. Phân loại

Có 4 kiểu chóng mặt:

- Chóng mặt kiểu xoay tròn: Cảm giác như cơ thể chúng ta đang xoay tròn hoặc các vật xung quanh chúng ta xoay tròn. Đây là triệu chứng điển hình của hội chứng tiền đình.

- Mất thăng bằng kiểu bồng bềnh: Cảm giác đi đứng không vững, loạng choạng.

- Chóng mặt kiểu muốn xỉu: Cảm thấy váng đầu hay muốn xỉu.

- Nhẹ đầu, lâng lâng: Cảm giác đầu nhẹ, trống rỗng, lâng lâng, nhẹ bẫng.

Vì vậy, khi tiếp cận một người bệnh chóng mặt, chúng ta cần phân biệt xem người bệnh có phải là chóng mặt thật sự không.

3. Nguyên nhân

- Chóng mặt tiền đình ngoại biên:

+ BPPV: 50% (Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính)

+ Bệnh Meniere: 18%

+ Viêm thần kinh tiền đình, Viêm mê đạo: 14%

+ U dây VIII: 10%

+ Rò ngoại dịch: hiếm

+ Do thuốc, nhiễm trùng ống bán khuyên

- Chóng mặt tiền đình trung ương:

+ Migraine thân nền

+ Đột quỵ tiểu não, thân não

+ Thoái hóa tiểu não

+ Xơ cứng rải rác

+ U não, màng não

+ Chấn thương đầu

+ Viêm màng não

+ Áp xe não

+ Thiểu năng động mạch sống - nền

4. Lâm sàng

- Phân biệt tiền đình trung ương và tiền đình ngoại biên dựa vào lâm sàng

- Tuy nhiên, trong một số trường hợp rất khó phân biệt tiền đình trung ương và tiền đình ngoại biên, do:

+ Tổn thương tiền đình hai bên.

+ Tổn thương cùng lúc nhiều thành phần của bộ máy tiền đình: tổn thương nhiều ống bán khuyên, tổn thương hai bên, tổn thương ống bán khuyên và túi tiền đình, tổn thương ống bán khuyên và các thành phần kế cận bộ máy tiền đình,...

+ Tổn thương phối hợp tiền đình trung ương và tổn thương tiền đình ngoại biên.

5. Cận lâm sàng:

- Chẩn đoán hình ảnh:

+ MRI não – mạch não giúp phát hiện u não, màng não, đột quỵ tiểu não, thân não, dị dạng mạch máu não…

+ MRI với chuỗi xung CISS giúp dựng hình dây VIII, cấu trúc ốc tai và tiền đình

+ Chụp CLVT xương đá giúp chẩn đoán các bất thường kế cận bộ máy tiền đình.

- Khảo sát rối loạn tiền đình bằng động nhãn đồ (VNG): Cực kỳ hữu hiệu để phân biệt tiền đình trung ương, ngoại biên hay phối hợp. Phát hiện thạch nhĩ lạc chỗ trong BPPV.

- Làm các xét nghiệm cơ bản: công thức máu, hoá sinh máu, …

6. Điều trị chóng mặt

- Thuốc ức chế tiền đình.

- Thuốc cải thiện chức năng tiền đình.

- Tập luyện phục hồi chức năng tiền đình, nghiệm pháp định vị sỏi ốc tai.

- Điều trị nguyên nhân.

6.1 Các thuốc ức chế tiền đình

Thuốc ức chế tiền đình làm giảm hoạt động của bên lành để cân bằng với bên bệnh, tạo ra sự cân bằng tạm thời hai bên tiền đình. Các thuốc này sẽ cản trở sự phục hồi chức năng của hệ thống tiền đình nên không dùng kéo dài.

- Thuốc an thần: Diazepam, Clonazepam

+ Các Benzodiazepin không tác dụng đặc hiệu lên các neuron tiền đình nhưng làm giảm hoạt động của neuron gây nên ức chế hệ thần kinh trung ương qua đó có tác dụng đối với hệ thống tiền đình.

+ Sử dụng nhiều trong giai đoạn cấp nhờ giải lo âu và ức chế hệ thần kinh trung ương.

- Các thuốc chống nôn: ngăn chặn đường hướng tâm từ cơ quan tiền đình, từ ống tiêu hóa đến trung tâm nôn ở hành tủy.

Các thuốc chống nôn thường dùng là:

+ Doperidone: Motilium-M.

+ Methoclopramide: Primperal

+Vừa an thần, giảm lo âu, chống nôn: Diazepam, Clopromazine.

- Các thuốc khác:

+ Thuốc kháng Cholin: Hyoscine; Scopolamin.

+Thuốc kháng Histamin: Promethazine; Prochlorperazine; Diphenhydramine.

+ Thuốc ức chế kênh Calci: Cinarizin; Flunarizine.

6.2 Thuốc cải thiện chức năng tiền đình

Thuốc cải thiện chức năng tiền đình làm tăng hoạt động của bên bệnh để cân bằng với bên lành, nên cần điều trị dài ngày.

Hai nhóm thuốc sử dụng phổ biến nhất:

- Nhóm betahistine: Sử dụng cho tiền đình ngoại vi sau giai đoạn cấp.

Betahistine là chất đồng dạng histamine, có tác động sinh học giống histamine mà không gây ra tác dụng phụ. Histamine là một trong các chất dẫn truyền thần kinh rất quan trọng của con đường tiền đình. Để phục hồi chức năng tiền đình điều trị chóng mặt thì cần phải phục hồi hoạt động histamine.

- Nhóm Acetyl Leucine: Nhóm này sử dụng cho cả tiền đình ngoại biên và trung ương, cả giai đoạn cấp và giai đoạn phục hồi sau đó.

Acetyl leucin giúp điều hoà điện thế màng, phục hồi tiền đình bên tổn thương, tăng tổng hợp glutamate và dẫn truyền tại synapse. Từ đó, nhanh chóng cắt cơn chóng mặt, giảm nôn ói, không gây tác dụng phụ buồn ngủ, rất an toàn ngay cả khi dùng kéo dài, không ảnh hưởng test khảo sát nguyên nhân.

Các nhóm thuốc khác:

- Piracetam: Tăng quá trình thích nghi và bù trừ; cải thiện vi tuần hoàn: tăng khả năng biến dạng của hồng cầu, giảm kết dính HC vào thành mạch, giảm co thắt mạch máu nhỏ.

- Ginko Biloba: Có tác dụng trong phục hồi chức năng tiền đình. Cải thiện rõ rệt chức năng vận nhãn và chức năng thăng bằng. Có thể là lựa chọn tốt cho điều trị phục hồi tiền đình sau giai đoạn cấp, đặc biệt cho các trường hợp tiền đình trung ương, hoặc dạng phối hợp.

Kết luận

Chóng mặt là triệu chứng rất thường gặp. Cần phải tìm nguyên nhân để có cách điều trị phù hợp và hiệu quả. Với đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng chuyên môn cao, ân cần, chu đáo, khoa Nội thần kinh Bệnh viện Giao thông vận tải đã điều trị thành công nhiều người bệnh chóng mặt, giúp người bệnh có thể trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường. Người bệnh hoặc người nhà người bệnh có thể liên hệ phòng khám Nội Thần kinh (phòng 222 – nhà M) để được thăm khám, tư vấn và điều trị.

Tài liệu tham khảo:

- “Chóng mặt – Rối loạn tiền đình: Cập nhật chẩn đoán, điều trị và ứng dụng trong thực hành” – Bộ môn Thần kinh, đại học Y Hà Nội (năm 2019)

- “Chẩn đoán và điều trị toàn diện chóng mặt trong thực hành lâm sàng” - PGS. TS. BSCKII Nguyễn Văn Liệu (năm 2024);

- “Thách thức trong chẩn đoán nguyên nhân chóng mặt, rối loạn thăng bằng” – TS. BS Trần Viết Lực, bộ môn Thần kinh, ĐH Y Hà Nội (năm 2024).

BS. Mai Thị Hồng, BSCKII. Nguyễn Thị Mai Phương

                       Khoa Nội Thần kinh

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận