logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

Thay đổi trong phân loại chẩn đoán và điều trị Tăng huyết áp theo khuyến cáo mới của Hiệp hội tim mạch Châu Âu - ESC 2024

Tăng huyết áp đã và đang là bệnh lý tim mạch phổ biến tạo ra gánh nặng khổng lồ không chỉ tại các nước phát triển mà còn tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, theo báo cáo toàn cầu về Tăng huyết áp 2023, có khoảng 14,3 triệu người trong độ tuổi 30-79 mắc Tăng huyết áp, trong số đó chỉ có khoảng 47% bệnh nhân được chẩn đoán bệnh, khoảng 30% bệnh nhân có điều trị và chỉ khoảng 13% bệnh nhân kiểm soát được huyết áp đạt mục tiêu. Tăng huyết áp nếu không được điều trị cũng như kiểm soát đúng mục tiêu sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh do những tổn thương cơ quan đích đồng thời để lại gánh nặng to lớn cho hệ thống y tế và xã hội.

Đã có nhiều khuyến cáo của các Hiệp hội lớn trên thế giới nhằm hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Tăng huyết áp, trong đó có các khuyến cáo của Hội Tim mạch Châu Âu (ESC). Hướng dẫn mới nhất của Hội Tim mạch Châu Âu về Tăng huyết áp là “Hướng dẫn quản lý Huyết áp tăng và Tăng huyết áp 2024” đã có nhiều cập nhật mới so với hướng dẫn chính tổ chức này đưa ra vào năm 2018, bao gồm cập nhật về phân loại, chẩn đoán và điều trị Tăng huyết áp.

1. Cập nhật trong phân loại và chẩn đoán

Định nghĩa về Tăng huyết áp (THA) không thay đổi: bệnh nhân được xem là có Tăng huyết áp khi kết quả đo tại phòng khám có kết quả huyết áp tâm thu (HATT) từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) từ 90 mmHg trở lên.

1.1 Phân loại huyết áp mới

Hướng dẫn của Hội Tim mạch Châu Âu (ESC) năm 2024 đã thay đổi cách phân loại huyết áp so với khuyến cáo năm 2018. Trước đây, huyết áp được phân loại thành các mức tối ưu, bình thường, bình thường cao và tăng huyết áp độ 1-3 dựa trên huyết áp đo tại phòng khám.

Khuyến cáo mới năm 2024 đơn giản hóa việc phân loại huyết áp thành ba mức độ:

  • Huyết áp không tăng (non-elevated blood pressure).
  • Huyết áp tăng (elevated blood pressure).
  • Tăng huyết áp (hypertension).

Bảng 1: Cập nhật mới trong phân loại huyết áp của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu năm 2024.

Bảng 2: Phân loại huyết áp theo phương pháp đo huyết áp của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu 2024.

1.2Tầm quan trọng của việc đo huyết áp ngoài phòng khám

Hướng dẫn của Hội Tim mạch Châu Âu năm 2024 nhấn mạnh vai trò của việc đo huyết áp ngoài phòng khám, bao gồm đo huyết áp tại nhà – Home Blood Pressure Monitoring (HBPM) và đo huyết áp lưu động – Ambulatory Blood Pressure Monitoring (ABPM) để chẩn đoán tăng huyết áp chính xác hơn vì các phương pháp này giúp phát hiện các trường hợp "tăng huyết áp áo choàng trắng" (huyết áp cao tại phòng khám nhưng bình thường ở nhà) và "tăng huyết áp ẩn giấu" (huyết áp bình thường tại phòng khám nhưng cao ở nhà). Bên cạnh đó, các phương pháp đo huyết áp ngoài phòng khám còn giúp theo dõi điều trị nhằm đánh giá hiệu quả của các biện pháp không dùng thuốc cũng như biện pháp dùng thuốc từ đó giúp các bác sĩ có dữ liệu để điều chỉnh thuốc hạ áp, xác định tác dụng phụ của thuốc như hạ huyết áp có triệu chứng.Do đó, bệnh nhân. tăng huyết áp lâu năm được khuyến khích theo dõi huyết áp tại nhà và ghi chép lại để bác sĩ có cái nhìn đầy đủ hơn về tình trạng bệnh.

Nếu việc đo huyết áp ngoài phòng khám không khả thi, bác sĩ nên đo huyết áp nhiều lần tại phòng khám để xác nhận chẩn đoán.

Như vậy, hướng dẫn mới của Hội Tim mạch Châu Âu năm 2024 có hai điểm đáng chú ý nhất về chẩn đoán THA:

- Phân loại mới với sự xuất hiện của khái niệm "huyết áp tăng": Việc này giúp phân tầng nguy cơ rõ ràng hơn, từ đó có chiến lược can thiệp phù hợp.

- Nhấn mạnh tầm quan trọng của đo huyết áp ngoài phòng khám: Điều này giúp chẩn đoán chính xác hơn, tránh bỏ sót các trường hợp tăng huyết áp ẩn hoặc chẩn đoán nhầm tăng huyết áp áo choàng trắng đồng thời giúp các bệnh nhân theo dõi được kết quả điều trị.

2. Hướng dẫn đo huyết áp đúng cách

Bên cạnh những cập nhật về chẩn đoán tăng huyết áp và phân loại huyết áp, Hiệp hội Tim mạch Châu Âu tiếp tục đưa ra những hướng dẫn về phương pháp đo huyết áp đúng cách.

2.1 Đo huyết áp tại phòng khám

Đo huyết áp tại phòng khám vẫn là phương pháp chính để chẩn đoán tăng huyết áp với 8 nguyên tắc được xác định rõ ràng nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của việc đo chính xác biến số đơn giản nhưng thường bị xử lý sai này.

Các bước tiến hành đo huyết áp tại phòng khám:

(1) Tiến hành đo sau 5 phút nghỉ thoải mái trong một môi trường yên tĩnh.

(2) Sử dụng một thiết bị đã được thẩm định có vòng bít phù hợp với chu vi cánh tay.

(3) Đặt vòng bít ngang với tim, lưng và tay của bệnh nhân có điểm tựa.

(4) Đo huyết áp 3 lần (giữa các lần đo cách nhau 1-2 phút) và lấy trung bình 2 lần đo cuối.

(5) Thực hiện các phép đo khác nếu giữa các lần đo có sự khác biệt > 10 mmHg.

(6) Đo huyết áp ở cả hai tay trong lần khám đầu tiên để xác định sự khác biệt huyết áp giữa hai cánh tay.

(7) Bắt mạch ghi nhận nhịp tim để loại trừ loạn nhịp.

(8) Đánh giá hạ huyết áp tư thế trong lần khám đầu tiên và đánh giá các triệu chứng trong những khám tiếp theo.

Hình 1: Các bước tiến hành đo huyết áp phòng khám(Nguồn ảnh: Z-waka).

2.2 Đo huyết áp tại nhà

Các bước tiến hành đo huyết áp tại nhà

(1) Sử dụng một thiết bị đo huyết áp đã được thẩm định.

(2) Đo huyết áp trong một căn phòng yên tĩnh sau 5 phút nghỉ ngơi với cánh tay và lưng có điểm tựa.

(3) Thực hiện 2 phép đo mỗi lần, mỗi phép đo cách nhau 1-2 phút.

(4) Thực hiện đo 2 lần một ngày (sáng và tối), trong ít nhất 3 ngày và lý tưởng là 7 ngày.

Lưu ý: Nên đo HA tại nhà vào buổi sáng trước khi ăn sáng và trước khi uống thuốc nhưng không phải ngay sau khi thức dậy.

(5) Ghi nhận và tính trung bình tất cả lần đo, sau đó đưa kết quả cho bác sĩ.

Hình 2: Các bước tiến hành đo huyết áp tại nhà (Nguồn ảnh: Z-waka).

2.3 Đo huyết áp lưu động

Đo huyết áp lưu động được tiến hành bằng các máy đo huyết áp trong 24-48 giờ như máy Holter huyết áp, các kết quả đo được đánh giá như phân loại trong Bảng 2.

3. Một số cập nhật về điều trị Tăng huyết áp.

3.1 Đánh giá nguy cơ tim mạch trở nên vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân huyết áp tăng với giá trị định hướng điều trị.

Trong hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu tái nhấn mạnh vai trò của đánh giá nguy cơ tim mạch. Các hệ thống được khuyến cáo sử dụng để đánh giá nguy cơ tim mạch cho bệnh nhân bao gồm:

- Hệ thống thang điểm SCORE2 được khuyến cáo để đánh giá nguy cơ tim mạch 10 năm tử vong hoặc không tử vong ở những bệnh nhân từ 40-69 tuổi có huyết áp tăng.

- Hệ thống thang điểm SCORE2-OP được khuyến cáo để đánh giá nguy cơ tim mạch 10 năm tử vong hoặc không tử vong ở bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên có huyết áp tăng.

- Hệ thống thang điểm SCORE2-Diabetes được khuyến cáo để đánh giá nguy cơ tim mạch 10 năm tử vong hoặc không tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường dưới 60 tuổi có huyết áp tăng.

Hình 3: Thang điểm SCORE2 và SCORE2-OP để tính nguy cơ tim mạch 10 năm tử vong hoặc không tử vong cho nhóm dân số có nguy cơ tim mạch cao.

3.2. Chỉ định điều trị huyết áp tăng

Bệnh nhân có chỉ định điều trị thay đổi lối sống kết hợp dùng thuốc hạ áp (sau 3 tháng thay đổi lối sống nhưng huyết áp không đạt mục tiêu) khi huyết áp tâm thu tăng 130 – 139 mmHg kèm theo một trong tiêu chí sau:

- Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn hoặc đái tháo đường (> 60 tuổi) hoặc bệnh mạch vành mạn hoặc suy tim hoặc có tổn thương cơ quan đích (tim, mạch, thận, não, mắt) hoặc,

- Bệnh nhân có nguy cơ tim mạch 10 năm > 10%.

- Bệnh nhân có nguy cơ tim mạch 10 năm 5 – 10% kèm theo một trong các yếu tố nguy cơ: chủng tộc có nguy cơ cao, tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý tim mạch, bệnh tự miễn, bệnh lý tâm thần nghiêm trọng, nhiễm HIV, tiền sử đái tháo đường thai kỳ hoặc tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, sinh non, thai lưu, sảy thai liên tiếp.

Huyết áp mục tiêu là 120 – 129/70 – 79 mmHg, theo dõi hằng năm nếu huyết áp được kiểm soát.

Trong trường hợp bệnh nhân huyết áp tăng nhưng chưa có ít nhất một trong hai tiêu chí trên, khuyến cáo được đưa ra cho bệnh nhân là thay đổi lối sống và đánh giá nguy cơ tim mạch hằng năm tại các phòng khám chuyên khoa.

Hình 4: Chỉ định điều trị trên bệnh nhân có huyết áp tăng (SBP: huyết áp tâm thu, CVD: bệnh mạch vành mạn, CKD: bệnh thận mạn, ĐTĐ: đái tháo đường, TĐLS: thay đổi lối sống, BP: huyết áp, aim BP: huyết áp mục tiêu).

3.3 Huyết áp mục tiêu

Bệnh nhân tăng huyết áp trên 18 tuổi được khuyến cáo điều trị để đạt được huyết áp tâm thu mục tiêu là 120 – 129 mmHg, trong trường hợp dung nạp thuốc kém và không thể đạt tới đích tâm thu 120 – 129 mmHg, bệnh nhân nên đạt được đích huyết áp là “mức thấp nhất có thể đạt được một cách hợp lý” – As low as resonably achievable (nguyên tắc ALARA).

3.4 Cập nhật về chiến lược điều trị không dùng thuốc

Hội Tim mạch Châu Âu tiếp tục nhấn mạnh vai trò của việc bổ sung Kali, giảm muối trong chế độ ăn, tăng hoạt động thể lực, quản lý cân nặng, giảm tiêu thụ cồn và không hút thuốc trong điều trị không dùng thuốc để làm giảm huyết áp cũng như giảm nguy cơ tim mạch. Trong đó, có một vài điểm mới như sau:

- Khuyến cáo tập thể dục Aerobic với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần (>30 phút/ngày, 5-7 ngày/tuần) hoặc thay thế bằng tập Aerobic cường độ cao 3 ngày/tuần cóbổ sung các bài tập kháng lực động hoặc tĩnh với cường độ thấp đến vừa 2 – 3 lần/tuần. => Hoạt động thể chất bằng các bài tập khác nhau nhưng ưu tiên tập thể dục Aerobic.

- Bỏ giới hạn lượng rượu tiêu thụ: khuyến cáo cũ năm 2018 khuyên bệnh nhân hạn chế sử dụng rượu < 14 đơn vị/tuần (nam) hoặc < 8 đơn vị/tuần (nữ). Khuyến cáo mới đã bỏ giới hạn rượu này và thay bằng giới hạn trên cho phép. Cụ thể, bệnh nhân nên hạn chế sử dụng rượu vượt quá giới hạn trên là 100g rượu nguyên chất/tuần (hầu hết các đồ uống bằng cồn chứa 8 - 14g rượu nguyên chất/ly), tốt nhất là tránh uống rượu để đạt được trạng thái sức khoẻ tốt nhất.

- Hạn chế tiêu thụ đường tự do với tối đa khoảng 10% lượng năng lượng tiêu thụ hằng ngày, nhất là các đồ uống có đường. Không khuyến khích tiêu thụ các loại đồ uống có đường như nước ngọt, nước ép trái cây ngay từ thuở thơ ấu.

3.5 Chiến lược dùng thuốc hạ áp

Hội Tim mạch Châu Âu tiếp tục khuyến cáo sử dụng viên thuốc phối hợp đôi ngay từ ban đầu để khởi trị huyết áp tăng và tăng huyết áp dựa trên các lý do:

- THA là bệnh đa cơ chế.

- Viên thuốc phối hợp giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn là đơn trị liệu dựa trên các bằng chứng nghiên cứu đồng thời giúp giảm có ý nghĩa tỷ lệ tử vong và tỷ lệ nhập viện do biến cố tim mạch.

- Viên thuốc phối hợp có giá thành rẻ hơn, từ đó giúp bệnh nhân tiết kiệm ngân sách, giảm bớt gánh nặng xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. European Heart Journal, Volume 45, Issue 38, 7 October 2024, Pages 3912- 4018,https://doi.org/10.1093/eurheartj/ehae178

DS. Trần Thị Ngọc Hà - Khoa Dược;

BS. Lê Quang Hiếu - Khoa Nội Tổng hợp 1.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận