logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

PHẪU THUẬT NỘI SOI VÁ NHĨ CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI, CHI PHÍ HỢP LÍ

I. Màng nhĩ đảm nhiệm chức năng gì?

Màng nhĩ là một màng mỏng ngăn cách tai ngoài và tai giữa, là một thành phần thuộc tai giữa.

Vậy chức năng của màng nhĩ là gì ?

1. Chức năng biến đổi âm từ dạng sóng viba thành chuyển động cơ học để truyền đến cửa sổ bầu dục: đây là chức năng quan trọng nhất của màng nhĩ.

2. Chức năng khuếch đại âm thanh: tỷ lệ 17/1 lần

Ở tất cả các tần số màng nhĩ rung động với biên độ lớn nhất ở góc ¼ sau trên,  phần trước và dưới màng nhĩ rung động với biên độ nhỏ hơn.

3. Chức năng bảo vệ các cấu trúc của tai giữa

  • Màng nhĩ không cho sóng âm tác động trực tiếp vào cửa sổ tròn giúp bảo vệ tai trong trước tác động của âm thanh.

  • Màng nhĩ ngăn không cho viêm nhiễm lan từ tai ngoài vào hòm nhĩ, duy trì một lớp đệm không khí trong hòm nhĩ để tránh trào ngược dịch từ vòm mũi họng lên hòm nhĩ.

II. Nguyên nhân nào dẫn tới thủng màng nhĩ?

Nhiễm trùng lặp đi lặp lại hoặc các chấn thương gây ra các lỗ thủng màng nhĩ. Màng nhĩ bị thủng thường lành một cách tự nhiên. Vết thương có thể lành trong vài tuần, hoặc có thể mất đến vài tháng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lỗ thủng có thể kéo dài vài năm và sẽ không thể lành lại một cách tự nhiên gây ra nhiều phiền toái cho bệnh nhân: tai thường xuyên chảy dịch xanh vàng,  ngứa ngáy, đau nhức, ù tai, nghe kém...Những trường hợp này cần thực hiện phẫu thuật.

III. Phẫu thuật nội soi vá nhĩ là gì?

Phẫu thuật vá màng nhĩ là một phẫu thuật được thực hiện để vá lỗ thủng trên màng nhĩ, phẫu thuật này giúp màng nhĩ kín, tránh tình trạng nhiễm trùng tai giữa kéo dài, tránh tình trạng nghe kém ngày càng nặng.

Phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ với đường tiếp cận trong ống tai giúp giảm đau, tránh đường rạch ngoài da, đạt được mục tiêu thẩm mĩ tối đa cho bệnh nhân mà vẫn đảm bảo được hiệu quả của phẫu thuật.

IV. Đối tượng nào cần thực hiện phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ

  • Chỉ định: Phẫu thuật vá tai giữa được chỉ định cho các bệnh nhân lỗ thủng màng nhĩ đơn thuần, đã điều trị tai khô hết đợt nhiễm trùng.

  • Chống chỉ định: Phẫu thuật này không thực hiện với bệnh nhân có viêm tai xương chũm nặng, hoặc có hủy xương trong tai nghi ngờ bệnh lý cholesteatoma.

V. Ưu và nhược điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi vá nhĩ

1. Ưu điểm

Nội soi vá nhĩ được ứng dụng thực hiện rộng rãi và phổ biến đối với các ca phẫu thuật tai hiện nay. Một số ưu điểm của phương pháp hiện đại này so với phương pháp phẫu thuật mổ mở truyền thống như:

  • Độ chính xác cao: Nội soi vá nhĩ được thực hiện với dụng cụ nội soi công nghệ hiện đại, hình ảnh rõ nét, độ phân giải cao. Điều này cho phép bác sĩ thực hiện một cách chính xác hơn, giảm thiểu tối đa việc làm tổn thương đến những cấu trúc khác nằm trong tai.

  • Rút ngắn thời gian phẫu thuật: Đối với phẫu thuật vá màng nhĩ truyền thống, bác sĩ cần phải thực hiện cắt mở nhiều mô xung quanh tai. Tuy nhiên, phẫu thuật vá nhĩ nội soi tiếp cận màng nhĩ theo đường trong ống tai, hạn chế tối đa đường rạch ngoài da. Nó giúp giảm đau và thời gian hồi phục sau phẫu thuật nhanh hơn

2. Nhược điểm

Bên cạnh các ưu điểm, việc nội soi vá nhĩ cũng tồn tại các nhược điểm mà bệnh nhân cần cân nhắc trước khi thực hiện:

  • Việc nội soi vá nhĩ cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn với tay nghề cao, có kinh nghiệm mổ nội soi.

  • Ánh sáng từ máy nội soi có thể gây ra tình trạng bỏng nhiệt nếu được thực hiện bởi bác sĩ thiếu chuyên nghiệp.

  • Bên cạnh đó, nếu phẫu thuật chảy nhiều máu có thể cản trở việc quan sát hình ảnh một cách chính xác của bác sĩ.

Đội ngũ bác sĩ khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Giao thông vận tải  thực hiện kĩ thuật vá nhĩ nội soi

VI. Theo dõi và chăm sóc sau mổ:

Sau khi làm phẫu thuật vá màng nhĩ, để hạn chế các tác nhân gây hại hay nhiễm khuẩn:

  • Nhét metche hoặc merocel tai trong khoảng vài ngày đến một tuần sau khi phẫu thuật vá màng nhĩ

  • Điều trị kháng sinh toàn thân, chống viêm. Kháng sinh nhỏ tai

  • Bệnh nhân tuyệt đối không được để nước vào tai, không được đi máy bay, không tham gia các hoạt động mạnh như đi bơi, chạy nhảy… Bên cạnh đó cũng hạn chế đến nơi đông người để tránh việc lây lan vi khuẩn qua đường mũi và họng có khả năng ảnh hưởng đến tai.

VII. Các biến chứng của phẫu thuật

Các biến chứng từ phẫu thuật vá màng nhĩ rất hiếm nhưng có thể bao gồm:

  • Tổn thương dây thần kinh mặt hoặc dây thần kinh kiểm soát 1 phần vị giác

  • Tổn thương xương của tai giữa, gây ảnh hưởng thính lực

  • Chảy máu vết mổ

  • Chóng mặt

Bệnh nhân N.V.P tiền sử thủng màng nhĩ nhiều năm nay. 2 năm nay bệnh nhân thường xuyên chảy dịch dịch tai. Khám thấy lỗ thủng nhĩ trái, đội ngũ bác sĩ khoa Tai Mũi Họng đã tiến hành phẫu thuật vá nhĩ nội soi cho bệnh nhân. Khám lại sau 1 tháng cho thấy kết quả tốt.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận