logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA BỆNH ĐỘT QUỴ NÃO (STROKE)

Đột quỵ não (thường gọi là đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não) chiếm một vị trí quan trọng trong bệnh lý thần kinh. Đột quỵ não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở người trưởng thành.

Những người sống sót sau đột quỵ phải chịu nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống cá nhân cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 

I. Đột quỵ não (TBMMN) là gì ?

         Định nghĩa của Tổ chức y tế thế giới (WHO): TBMMN là sự xảy ra đột ngột các thiếu sót chức năng thần kinh thường khu trú hơn là lan tỏa, tồn tại quá 24 giờ hoặc gây tử vong trong 24 giờ, loại trừ các thiếu sót chức năng thần kinh do chấn thương sọ não hoặc do các nguyên nhân khác như u não, viêm não…

Đột quỵ não chia thành 2 nhóm lớn:

  • Đột quỵ thiếu máu não (nhồi máu não): Chiếm khoảng 82%. Đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính (acute ischemic stroke) hay còn gọi là nhồi máu não là tình trạng dòng máu đột ngột không lưu thông đến một khu vực của não làm mất chức năng thần kinh tương ứng.
  • Đột quỵ chảy máu não: Chiếm khoảng 18%. Chảy máu não là sự xuất hiện của máu ở trong nhu mô não, có thể kèm theo máu ở trong khoang dưới nhện và các não thất.

II. Nguyên nhân của đột quỵ não

    Nguyên nhân nhồi máu não:

  • Xơ vữa các động mạch não: ở người tăng huyết áp, đái đường, RLCH lipid, nghiện thuốc lá, nghiện rượu…
  • Các huyết khối đến từ tim: hẹp hở van tim, rung nhĩ, nhồi máu cơ tim
  • Các nguyên nhân khác:
  • Các thuốc tránh thai
  • Bóc tách động mạch não
  • Viêm động mạch
  • Các bệnh máu: đa hồng cầu, rối loạn đông máu…

Nguyên nhân chảy máu não :

  • Tăng huyết áp động mạch: chiếm 70 đến 80% nguyên nhân xuất huyết não, đặc biệt ở người có tuổi
  • Dị dạng mạch máu não: vỡ túi phồng động mạch não hoặc u mạch não kiểu thông động tĩnh mạch
  • Các rối loạn đông máu
  • Bệnh mạch máu nhiễm tinh bột
  • Xuất huyết do u não
  • Viêm nhiễm động tĩnh mạch…

III. Triệu chứng của đột quỵ

Tính chất xuất hiện đột ngột của các triệu chứng thiếu sót thần kinh từ vài phút đến vài ngày là yếu tố quan trọng nhất để nghĩ đến TBMMN.

Các triệu chứng hay gặp:

  • Liệt nửa người hoặc liệt một phần cơ thể
  • Mất hoặc giảm cảm giác một bên cơ thể
  • Mất thị lực một hoặc hai mắt
  • Mất hoặc giảm thị trường
  • Nhìn đôi (song thị).
  • Giảm hoặc không vận động được khớp xương
  • Liệt mặt
  • Thất điều
  • Chóng mặt (hiếm khi xuất hiện đơn lẻ)
  • Thất ngôn
  • Rối loạn ý thức đột ngột
  • Các triệu chứng trên có thể xuất hiện đơn độc hoặc phối hợp.

Năm 2013, ASA đã đưa ra thuật ngữ FAST để mô tả những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cho người dân:

IV. Các xét nghiệm cần làm

Chụp cắt lớp vi tính sọ não

- Theo khuyến cáo năm 2019 của Hội tim mạch và đột quỳ Hoa Kỳ thì chụp cắt lớp vi tính đóng vai trò là công cụ hình ảnh quan trọng nhất trong thăm khám ban đầu ở người bệnh đột quỵ não nhằm phân biệt tổn thương thiếu máu và chảy máu, đồng thời xác định mức độ tổn thương, vị trí mạch tắc với kỹ thuật đa dạng.

- Đây là phương pháp có thể được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện và có tính phổ biến cao, phù hợp với tính chất và yêu cầu trong cấp cứu đột quỵ não.

Chụp cộng hưởng từ não.

Ưu điểm:

  • Là kỹ thuật hiện đại, mang lại nhiều thông tin bổ sung ở người bệnh đột quỵ.
  • Có thể phát hiện tổn thương thiếu máu hay chảy máu não ngay ở giai đoạn rất sớm sau đột quỵ.

Nhược điểm:

  • Không được trang bị ở mọi cơ sở y tế.
  • Thời gian chụp kéo dài, chất lượng hình ảnh bị ảnh hưởng nếu người bệnh kích thích trong bệnh cảnh đột quỵ não.
  • Tuy nhiên một số người bệnh không chụp được cộng hưởng từ não do có kim loại trong người. Bên cạnh đó, giá thành chụp cộng hưởng từ não cao hơn chụp cắt lớp vi tính sọ não.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác

- Siêu âm Doppler xuyên sọ là công cụ hữu ích đánh giá các mạch máu đoạn gần như động mạch não giữa, động mạch cảnh đoạn trong sọ, động mạch sống nền.

- Siêu âm tim: khi nghi ngờ huyết khối từ tim gây tắc mạch.

- Chụp XQ ngực cũng có ích trong đột quỳ cấp, tuy nhiên không được làm ảnh hưởng đến thời gian chỉ định thuốc tiêu sợi huyết.

- Chụp CT mạch não là kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn hữu ích trong bệnh cảnh chảy máu não cấp giúp phát hiện bất thường mạch máu.

- Chụp động mạch não qua da: giúp làm rõ các dấu hiệu nghi ngờ hoặc để xác định và điều trị.

- Các xét nghiệm máu cơ bản: Đường máu, chức năng gan, thận, đông máu cơ bản và các xét nghiệm khác tùy theo từng người bệnh.

V. Xử trí và điều trị

Điều trị nhồi máu não

Nguyên tắc chung: Đột quỵ là tình trạng cấp cứu nội khoa, khi phát hiện cần sơ cứu tại chỗ và chuyển người bệnh đến đơn vị chuyên biệt: Đơn vị Chăm sóc và Điều trị đột quỵ não (Stroke unit)

Điều trị cụ thể:

  1. Đánh giá tình trạng hô hâp, tuần hoàn

Mục tiêu trong việc xử trí đột quỵ là đánh giá đường thở, hô hấp và tuần hoàn theo các bước ABC (A: airway, B: breathing, C: circulation). Ổn định tình trạng người bệnh.

  1. Bổ sung oxy

Chỉ định thở oxy qua sonde mũi với cung lựợng thấp khoảng 2l/phút khi người bệnh khó thở, da niêm mạc xanh tái, tím.

  1. Kiểm soát đường máu
  2. Kiểm soát huyết áp
  3. Tái tưới máu bằng thuốc tiêu sợi huyết và/hoặc bằng dụng cụ trong lòng mạch
  4. Điều trị với thuốc kháng kết tập tiểu cầu
  5. Kiểm soát thân nhiệt
  6. Chống phù não
  7. Chống động kinh
  8. Thuốc chống đông máu và dự phòng huyết khối
  9. Bảo vệ tế bào thần kinh

Điều trị chảy máu não

Nguyên tắc chung:

  • Điều trị người bệnh chảy máu não phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ chảy máu.
  • Kiểm soát các dấu hiệu sinh tồn, chảy máu, co giật, huyết áp và áp lực nội sọ.

Điều trị cụ thể:

Điều trị nội khoa:

  1. Kiểm soát cơn co giật.
  2. Dự phòng động kinh.
  3. Kiểm soát huyết áp.
  4. Kiểm soát áp lực nội sọ.
  5. Kiểm soát đông máu.
  6. Phối hợp thuốc Statin (hạ mỡ, ổn định mảng xơ vữa).

Điều trị phẫu thuật: tùy từng trường hợp cụ thể bác sỹ xem xét và chỉ định can thiệp.

Điều trị can thiệp nội mạch : với phình động mạch, thông động tĩnh mạch, rò động tĩnh mạch màng não cứng.

Dẫn lưu não thất.

VI. Phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng nên được thực hiện sớm, ngay khi người bệnh còn đang nằm trên giường bệnh, thường 24-48h sau đột quỵ.

Người bệnh sau đột quỵ được phục hồi chức năng tại bệnh phòng điều trị, tại khoa phục hồi chức năng trong viện và khi được ra viện, công tác phục hồi chức năng được tiến hành tại các đơn vị phục hồi chức năng ngoại trú, các cơ sở điều dưỡng và rất quan trọng là có chương trình phục hồi chức năng tại nhà đối với người bệnh.

VII. Cách phòng tránh đột quỵ.

  1. Dự phòng tiên phát với người chưa bị đột quỵ:

- Thuốc chống kết tập tiểu cầu tùy theo từng đối tượng.

- Điều trị rối loạn chuyển hóa lipid và ổn định mảng xơ vừa bằng Statin

- Kiểm soát huyết áp, đái tháo đường.

- Cai thuốc lá, rượu bia và tập thể dục.

- Giữ ấm cơ thể.

- Chế độ ăn uống:

  • Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc.
  • Ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ.
  • Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh.
  • Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường.
  • Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

  1. Dự phòng thứ phát ở người đã bị đột quỵ hoặc có cơn tai biến mạch máu não thoáng qua (TIA).

Người bệnh cần được được khám, điều trị và theo dõi sức khỏe định kỳ để đánh giá tình trạng bệnh và các bệnh lý kèm theo.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận