logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

KHOA NGOẠI TỔNG HỢP BỆNH VIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI: ĐỊA CHỈ UY TÍN ĐIỀU TRỊ BỆNH LÝ SỎI THẬN – TIẾT NIỆU

Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp trên thế giới và Việt Nam. Hiện nay, can thiệp ít xâm lấn là xu hướng chung của các chuyên ngành. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều phương pháp xâm lấn tối thiểu đã được áp dụng để điều trị sỏi thận như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi ống mềm... Các bác sỹ khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Giao thông vận tải đã nhiều năm làm chủ được những kỹ thuật trên. Tại buổi sinh hoạt khoa học thường kỳ của Bệnh viện chiều ngày 6/6/2024, ThS. BS Nguyễn Vũ Minh Thiện đại diện cho nhóm nghiên cứu báo cáo đề tài: “Đánh giá kết quả điều trị sỏi thận bằng nội soi ngược dòng ống mềm tại Bệnh viện Giao thông vận tải”. Qua đánh giá kết quả bước đầu 47 trường hợp nội soi tán sỏi thận ống mềm tại Bệnh viện Giao thông vận tải, cho kết quả an toàn, ít biến chứng, hồi phục nhanh, tỷ lệ sạch sỏi cao. Nghiên cứu này đã được chọn để báo cáo tại Hội nghị Tiết niệu toàn quốc năm 2021 và với những thông tin cập nhật mới sẽ tiếp tục được báo cáo tại Hội nghị Tiết niệu toàn quốc tổ chức vào tháng 8/2024 ở thành phố Huế.

BS. Nguyễn Vũ Minh Thiện báo cáo đề tài tại buổi sinh hoạt khoa học thường kỳ của Bệnh viện Giao thông vận tải

Sỏi thận là bệnh lý thường gặp nhất của đường tiết niệu. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cơ thể mất nước nhiều, nên từ lâu đã được coi là một vùng dịch tễ sỏi. Khoảng 10-14% người Việt có sỏi trong thận. Tại Mỹ, khảo sát cho thấy có 7-10% người từng bị sỏi thận một lần trong đời mà không hề biết. Tỉ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới vào khoảng 3% dân số và khác nhau giữa các quốc gia. Có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận, bắt đầu từ sự kết tinh, lắng đọng tinh thể trong hệ tiết niệu. Theo các chuyên gia, sỏi tiết niệu hình thành có thể do nước tiểu có chứa quá nhiều hóa chất, điển hình là calci, acid uric, cystine… 85% số lượng sỏi hình thành bắt đầu từ sự lắng đọng canxi.

Các nguyên nhân gây bệnh được chỉ ra là:

- Uống không đủ nước: Cơ thể không đủ nước cho thận bài tiết, nước tiểu quá đặc. Nồng độ các tinh thể bị bão hòa trong nước tiểu.

- Chế độ ăn nhiều muối: Đây là nguyên nhân thường gặp ở người Việt, khẩu vị của người Việt khá mặn. Ăn nhiều muối (NaCl), cơ thể phải tăng đào thải Na+, tăng Ca++ tại ống thận… Do đó, sỏi Calcium dễ hình thành.

- Chế độ ăn nhiều đạm: Đạm trong đồ ăn làm tăng nồng độ pH nước tiểu, tăng bài tiết Calcium và lại làm giảm khả năng hấp thu Citrate.

- Nạp bổ sung Calcium, Vitamin C sai cách: Khi bổ sung vi chất quá nhiều, dẫn đến tình trạng cơ thể thừa chúng. Đối với Vitamin C, khi chuyển hóa thành gốc Oxalat. Còn ion Ca++ sẽ cạnh tranh và ức chế việc hấp thu các ion khác như Ze++, Fe++,… Khi thận quá thừa các chất sẽ bị quá tải, tăng nguy cơ hình thành sỏi tại đây.

- Hậu quả của bệnh lý đường tiêu hóa: như viêm loét dạ dày, tiêu chảy… cũng có thể hình thành sỏi Calci Oxalat.

- Yếu tố di truyền: Bệnh cũng có thể do di truyền trong gia đình. Nguy cơ mắc bệnh trong các thành viên cùng huyết thống cao hơn bình thường.

- Ở những người bẩm sinh hoặc mắc phải, có dị dạng đường tiết niệu, khiến đường tiểu bị tắc nghẽn ví dụ do phì đại tuyến tiền liệt, túi thừa trong bàng quang…

- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Vi trùng xâm nhập, gây viêm đường tiết niệu dai dẳng, tạo ra mủ, lắng đọng các chất bài tiết lâu ngày cũng là nguyên nhân gây sỏi ở thận.

- Béo phì: Theo một số nghiên cứu, nguy cơ mắc bệnh của người béo phì sẽ cao hơn người bình thường.

Buổi sinh hoạt khoa học nhận được rất nhiều sự quan tâm tham dự của các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện.

Tán sỏi thận nội soi ống mềm được thực hiện trên thế giới từ năm 1996 và trong nước từ năm 2010 với tỷ lệ thành công đạt 70 - 93%. Với nguồn tán Holmium laser có thể điều trị sỏi ở các vị trí trong đài bể thận với tỷ lệ sạch sỏi cao. Tán sỏi thận ống mềm là phương pháp được lựa chọn hàng đầu cho sỏi thận ≤ 2cm, thay thế cho mổ mở. Tuy nhiên, kết quả của phẫu thuật này phụ thuộc nhiều vào đặc điểm của sỏi, giải phẫu đường tiết niệu, chi phí trang thiết bị còn cao. Do vậy, chỉ định phẫu thuật cần chặt chẽ và thực hiện đúng quy trình, đúng kĩ thuật là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tai biến, biến chứng trong và sau mổ, nhất là sỏi trong cổ đài khó tiếp cận và sỏi còn sót lại sau can thiệp, phẫu thuật khác. Đây là vấn đề còn tồn tại, gây khó khăn và là thách thức trong điều trị sỏi đài bể thận.

Với sự ra đời của Laser Ho: YAG và các cải tiến của ống nội soi, chỉ định tán sỏi ống mềm càng được mở rộng với các sỏi phức tạp, kích thước lớn. Theo khuyến cáo của Hội Niệu khoa Hoa Kỳ, đối với sỏi đài dưới 10mm có triệu chứng thì áp dụng tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi nội soi ống mềm. Đối với sỏi từ 1-2cm, nội soi ống mềm là lựa chọn đầu tiên vì tỷ lệ thành công cao hơn so với tán sỏi ngoài cơ thể và ít xâm lấn so với tán sỏi qua da. Tuy nhiên, đối với sỏi to, sỏi san hô thì lựa chọn đầu tay là tán sỏi qua da hoặc mổ mở.

TS.BS Bùi Sỹ Tuấn Anh - Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp và các bác sỹ thực hiện tán sỏi thận nội soi ống mềm tại Bệnh viện Giao thông vận tải

Tại khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Giao thông vận tải, chỉ định tán sỏi ống mềm đã được áp dụng từ năm 2017. TS. BS. Bùi Sỹ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp đã triển khai và đào tạo kỹ thuật này cho các bác sỹ ngoại khoa của Bệnh viện Giao thông vận tải.

 * Phương pháp tán sỏi thận qua ống mềm được chỉ định trong các trường hợp:

- Sỏi thận nhỏ hơn 2cm đơn thuần hoặc nhiều viên.

- Sỏi niệu quản di chuyển vào thận sau tán soi ngược dòng hoặc tán ngoài cơ thể.

*  Chống chỉ định của phương pháp tán sỏi thận ống mềm:

- Niệu quản hẹp, gấp khúc, dị dạng không đặt được máy nội soi.

- Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường niệu chưa điều trị hoặc lao tiết niệu.

- Sỏi thận trên 2cm, sỏi san hô.

- Bệnh nhân có thận lạc chỗ, thận móng ngựa.

- Sỏi đài dưới với góc LIP < 30 độ, chiều dài đài dưới trên 3cm, đường kính cổ đài < 5mm.

- BN bị gù vẹo cột sống, BN có bệnh lý hô hấp tim mạch không thể gây mê.

- Thận mất chức năng.

Hình ảnh film chụp x-quang trước (bên trái) và sau (bên phải) của bệnh nhân sau khi được tán sỏi. 

* Đề tài nghiên cứu về tán sỏi thận qua ống mềm của khoa Ngoại tổng hợp:  thực hiện nghiên cứu trên 47 bệnh nhân, với độ tuổi trung bình trong nghiên cứu là 45,32 ± 14,38 tuổi, nam giới chiếm 61,7%, nữ giới chiếm 38,3%.

Trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu có 36 trường hợp bệnh nhân nhập viện do đau thắt lưng chiếm 76,6%, 10 trường hợp chiếm 19,7% vào viện vì tiểu máu, 1 trường hợp  chiếm 4,7% sau tán sỏi ngược dòng sỏi di chuyển vào trong thận. 2 trường hợp tiền sử đã tán ngoài cơ thể, có 6 trường hợp tiền sử tán sỏi ngược dòng, có 1 trường hợp lấy sỏi sau phúc mạc. Tỷ lệ bệnh nhân thận không ứ nước chiếm 61,7%, thận ứ nước độ 1 chiếm 31,92%, thận ứ nước độ 2 chiếm 6,38%, không có bệnh nhân nào thận ứ nước độ 3. Do tỷ lệ bệnh nhân có sỏi đài dưới, nằm trong cổ đài chiếm tỷ lệ cao (63,83%) nên thận không ứ nước và ứ nước độ 1 chiếm tỷ lệ cao (chiếm 61,7% và 31,92). Trong nhóm bệnh nhân được nghiên cứu, thấy sỏi thận phải có 24 trường hợp chiếm 53,19 %, sỏi thận trái có 23 trường hợp chiếm 46,81%, tỷ lệ có sỏi đài dưới chiếm 63,83 %. Tỷ lệ có 1 viên sỏi chiếm 82,98%, 2 viên sỏi chiếm 17,02%.

Thời gian mổ trung bình trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu là 41,08+- 20,12 phút, (30 - 60 phút) chiếm 82,98%, > 60 phút chiếm 17,02%. Theo Riley et al. 2009, thời gian mổ trung bình là 72 phút (28 - 130 phút). Theo Okan Bas et al. 2017, thời gian mổ trung bình là 68 phút. Kết quả về thời gian mổ trung bình tại Bệnh viện Giao thông vận tải  thấp hơn các tác giả khác, có thể do kích thước sỏi trong nghiên cứu < 2 cm.

 Thời gian nằm viện trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu là 4,23±2,63(3-7 ngày).

Tại buổi sinh hoạt, các bác sỹ đã trao đổi và thảo luận sôi nổi các vấn đề liên quan đến đề tài của báo cáo viên.

Trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu, không có trường hợp nào bị chảy máu hay lộn nòng niệu quản. Có 9 trường hợp bị nhiễm khuẩn tiết niệu chiếm 19,15%, không có trường hợp nào bị nhiễm khuẩn huyết, không có trường hợp nào tắc sonde JJ do máu cục hay do sỏi. Theo Riley et al. 2009 cho thấy 13,64 % bị đau do đặt sonde JJ, có 0,45% bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết ngày thứ 3 sau tán sỏi, nguyên nhân do bệnh nhân không tuân thủ điều trị kháng sinh trước và sau mổ.

Tỷ lệ sạch sỏi trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu sau mổ 2 ngày chiếm 53,19%, sạch sỏi sau 1 tháng chiếm 76,6%. Theo Riley et al. 2009, tỉ lệ sạch sỏi sau 12 tháng là 90,9%. Theo Okan Bas et al. 2017 tỷ lệ này là 95,6%. Tất cả bệnh nhân còn sỏi sau tán sỏi ống mềm trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu được tư vấn theo dõi thêm, chưa cần chỉ định các phương pháp can thiệp khác

Qua đánh giá kết quả bước đầu 47 trường hợp nội soi tán sỏi thận ống mềm tại Bệnh viện Giao thông vận tải, cho kết quả an toàn, ít biến chứng, hồi phục nhanh, tỷ lệ sạch sỏi cao. Tán sỏi thận bằng nội soi ống mềm được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Giao thông vận tải và có thể triển khai rộng rãi ở nhiều bệnh viện khác.

Bệnh lý sỏi thận tiết niệu nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu, ứ nước, ứ mủ bể thận, viêm thận, suy thận…có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh viện Giao thông vận tải khuyến cáo người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi có bất kỳ triệu chứng nào về sức khỏe hãy đến ngay với chúng tôi để được khám và điều trị, phẫu thuật bởi đội ngũ chuyên gia giỏi chuyên môn, luôn tận tâm với người bệnh.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận