1. Hp là gì?
Hp là tên viết tắt của Helicobacter pylori, là một loài vi khuẩn với khoảng hơn 300 chủng loại, sống trong dạ dày và gây ra nhiều bệnh lý thường gặp tại dạ dày, tá tràng như viêm, loét dạ dày - tá tràng. Bên cạnh đó, theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), Hp có liên quan đến quá trình gây ung thư dạ dày dựa trên các kết quả nghiên cứu dịch tễ học, mặc dù cơ chế gây ung thư của Hp vẫn chưa rõ ràng.
Hình ảnh vi khuẩn HP.
Hp là một vi khuẩn ái khí gram âm, có kích thước nhỏ từ 0.2 - 0.5 micromet, sống chủ yếu trong lớp nhầy của dạ dày. Hp có thể tồn tại dưới 2 dạng:
- Dạng xoắn khuẩn: là dạng hoạt động của vi khuẩn, tiết ra nhiều enzym urease để thuỷ phân ure thành amoniac, tạo môi trường đệm thuận lợi cho vi khuẩn Hp tồn tạ
- Dạng cầu khuẩn: dạng tồn tại khi vi khuẩn gặp môi trường bất lợi.
2. Hp lây qua đường nào?
Hp lây qua 3 con đường chính:
- Đường phân - miệng.
- Đường miệng - miệng.
- Đường dạ dày - miệng.
Các nguồn lây truyền của Hp bao gồm: từ môi trường (nguồn nước ngầm, giếng, nước thải chưa qua xử lý, thực phẩm như rau củ quả không được chế biến sạch,…), từ người sang người (là nguồn lây truyền chính, gây phát tán Hp qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc gián tiếp qua vật dụng sinh hoạt, dụng cụ ăn uống,…). Thông thường một người trong gia đình nhiễm Hp thì những thành viên còn lại có tỷ lệ nhiễm Hp cao hơn.
3. Triệu chứng nhiễm Hp là gì?
Hầu hết bệnh nhân nhiễm Hp đều không có biểu hiện lâm sàng. Khoảng 15% bệnh nhân tiến triển thành bệnh lý viêm, loét dạ dày - tá tràng, ung thư biểu mô tuyến và u lympho dạ dày. Và đây cũng là những bệnh lý chính gây ra bởi Hp.
Trên thực tế, các thống kê cho thấy khoảng 90 - 95% bệnh nhân loét tá tràng, khoảng 70% bệnh nhân loét dạ dày, khoảng 60% bệnh nhân viêm dạ dày và khoảng 80% bệnh nhân ung thư dạ dày có nhiễm Hp. Yếu tố quyết định dẫn tới các bệnh lý này bao gồm sự tương tác qua lại của 3 yếu tố: chủng Hp(chủng độc tính thấp hoặc cao, rất cao), yếu tố chủ quan của người bệnh (tính chất di truyền của ngưởi bệnh) và yếu tố môi trường (chế độ ăn mặn, tiêu thụ nhiều thức ăn chứa nhiều chất bảo quản, thuốc lá,…).
4. Làm sao để chẩn đoán nhiễm Hp?
Để chẩn đoán nhiễm Hp, bên cạnh khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định nhiễm Hp. Các xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm Hp bao gồm:
- Xét nghiệm xâm lấn (thông qua nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng):
- Xét nghiệm urease nhanh dựa trên mẫu mô sinh thiết: nhanh chóng, đơn giản và giá thành rẻ với độ nhạy và độ đặc hiệu cao lên tới 95 - 100%.
- Giải phẫu bệnh: giúp chẩn đoán nhiễm Hp kết hợp đánh giá tổn thương gây ra do nhiễm Hp (loét, ung thư,…).
- Nuôi cấy: nuôi cấy vi khuẩn Hp dựa trên dịch dạ dày, tá tràng; từ đó có thể chỉ định làm kháng sinh đồ để lựa chọn các kháng sinh phù hợp để điều trị diệt trừ Hp trên các bệnh nhân thất bại với điều trị nhiều lần.
- Xét nghiệm không xâm lấn (không nội soi):
- Tìm kháng thể IgG kháng Hp: là xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao để phát hiện tình trạng nhiễm Hp nhưng cũng có độ “trễ” cao nên không thể dùng để đánh giá đáp ứng điều trị.
- Xét nghiệm hơi thở C13/C14: đơn giản, không xâm lấn, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, có thể dùng ở trẻ em hoặc bệnh nhân có nguy cơ cao không thể nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng. Để chẩn đoán chính xác tình trạng nhiễm Hp, bệnh nhân cần ngưng sử dụng kháng sinh, thuốc Bismuth ít nhất 4 tuần và các thuốc ức chế bơm proton (PPIs) ít nhất 2 tuần trước khi xét nghiệm.
Tổn thương loét dạ dày do vi khuẩn Hp.
5. Khi nào nên điều trị diệt trừ Hp và điều trị như thế nào?
Không phải bệnh nhân nào nhiễm Hp cũng cần dùng thuốc để điều trị diệt trừ Hp. Chỉ định điều trị như sau:
- Có tiền sử hoặc hiện tại đang loét dạ dày, tá tràng (có hoặc không có biến chứng).
- U lympho mô bạch huyết liên quan đến niêm mạc dạ dày (MALT).
- Viêm teo niêm mạc dạ dày và/hoặc loạn sản ruột.
- Sau cắt bỏ ung thư dạ dày.
- Bệnh nhân là thế hệ thứ nhất của những bệnh nhân mắc ung thư dạ dày.
- Khó tiêu chức năng.
- Giảm nguy cơ loét dạ dày và xuất huyết tiêu hóa trên ở những người mới dùng NSAID.
- Trước khi bắt đầu liệu pháp aspirin dài hạn ở những bệnh nhân có nguy cơ cao loét dạ dày tá tràng và các biến chứng liên quan đến loét.
- Những bệnh nhân dùng aspirin liều thấp dài hạn có tiền sử xuất huyết tiêu hóa trên và thủng dạ dày tá tràng.
- Những bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản cần điều trị PPIs dài hạn.
- Thiếu máu thiếu sắt không giải thích được, hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
- Mong muốn của bệnh nhân (sau khi được tham vấn kỹ từ bác sĩ).
Để điều trị diệt trừ Hp, bệnh nhân sau khi có chẩn đoán xác định cần phải sử dụng phối hợp từ 2 loại kháng sinh đường uống trở lên kết hợp với thuốc ức chế bơm proton (PPIs) theo phác đồ được khuyến cáo bởi Bộ Y tế và các tổ chức, hiệp hội tiêu hoá lớn trên thế giới. Hiện nay có 2 phác đồ bậc một thường dùng là phác đồ 3 thuốc và phác đồ 4 thuốc có Bismuth như sau:
- Phác đồ 3 thuốc: (Amoxicillin 1g + Clarithromycin 500mg + PPI) x 02 lần/ngày trong 10 -14 ngày liên tục.
- Phác đồ 4 thuốc có Bismuth: (Tetracyclin 1g + Metronidazol 500mg + PPI) x 02 lần/ngày + Bismuth 120mg x 04 lần/ngày trong 10 -14 ngày liên tục.
Trong đó các PPI thường dùng là Esomeprazol 40mg, Pantoprazol 40mg, Omeprazol 20mg, Rabeprazol 20mg, Lansoprazol 30mg.
Do tỷ lệ kháng Clarithromycin tại Việt Nam đang ở mức cao và ngày càng có xu hướng tăng lên, nên từ năm 2022, Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam khuyến cáo ưu tiên sử dụng phác đồ 4 thuốc có Bismuth.
Nếu bệnh nhân thất bại với điều trị bậc một sẽ được đổi phác đồ 4 thuốc có Bismuth nếu chưa được sử dụng trước đó hoặc sử dụng phác đồ bậc hai (phác đồ 3 thuốc có Levofloxacin), hoặc thậm chí điều trị theo kháng sinh đồ (phác đồ bậc 3) sau khi nuôi cấy nếu thất bại với các phác đồ trên.
Trên đây là những thông tin cơ bản về Hp và các bệnh lý gây ra do nhiễm HP cũng như chỉ định, phương pháp điều trị diệt trừ Hp. Bệnh nhân nên thường xuyên đi khám tầm soát tình trạng nhiễm Hpđể phòng ngừa và điều trị kịp thời nếu có chỉ định. Để đảm bảo diệt trừ thành công Hp, bệnh nhân cần tuân thủ sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp với thay đổi lối sống và chế độ ăn một cách lành mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Khuyến cáo của Hội Khoa học Tiêu hoá Việt Nam 2013.
- Đồng thuận của Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam trong điều trị Helicobacter pylori 2022.
- Khuyến cáo của Tổ chức Tiêu hoá Thế giới (WGO 2023).
- Khuyến cáo của Hiệp hội Tiêu hoá Hoa Kỳ (ACG 2024).
- Hướng dẫn diệt trừ Helicobacter pylori trong bệnh lý dạ dày tá tràng. Bộ Y tế (2015).
BS. Lê Quang Hiếu; ThS.BS. Nguyễn Thị Hà – Khoa Nội Tổng hợp 1