logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

Holter huyết áp: một kỹ thuật hiệu quả để theo dõi và điều trị bệnh tăng huyết áp

1. Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp (THA) được chẩn đoán khi một người trưởng thành có huyết áp tâm thu (HATT) đo ở phòng khám từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) từ 90mmHg trở lên sau khi kiểm tra lặp lại. Định nghĩa tăng huyết áp cũng sẽ thay đổi tùy theo cách thức ghi nhận huyết áp (Bảng 1). Tăng huyết áp và các bệnh động mạch do xơ vữa đã và đang trở thành những vấn đề sức khoẻ cộng đồng quan trọng ở Việt Nam. Bộ Y tế Việt Nam đã đưa THA vào chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam từ năm 2015 với mục tiêu giảm tỷ lệ người mắc THA xuống dưới 20% vào năm 2025.

Bảng 1: Định nghĩa tăng huyết áp theo cách thức ghi nhận huyết áp.

Việc đo huyết áp có thể được tiến hành tại phòng khám, tại nhà (HBPM:  home blood pressure monitoring), hoặc đo huyết áp lưu động (ABPM:  ambulatory blood pressure monitoring).

2. Vai trò của holter huyết áp

Holter huyết áp là phương pháp theo dõi huyết áp lưu động, đo huyết áp tự động và liên tục trong vòng 24 - 48 giờ (tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ), ban ngày máy có thể đo 15 - 30 phút/lần và ban đêm đo 30 - 60 phút/lần trong điều kiện ngoại trú, bệnh nhân làm việc, ăn, ngủ, sinh hoạt bình thường.

Máy holter huyết áp gọn nhẹ có kích cỡ như một chiếc radio Walkman. Người bệnh có thể bỏ máy vào túi hoặc đeo bên hông khi sinh hoạt và làm việc thường ngày. Sau khi hết quá trình đo, kết quả đo sẽ được trích xuất vào máy vi tính có sẵn phần mềm tương thích và sẽ được bác sĩ chuyên khoa đọc, phân tích, đánh giá kết quả.

*Chỉ định của đo huyết áp lưu động trên lâm sàng:

- Các tình huống hay gặp tăng huyết áp áo choàng trắng: Huyết áp tại phòng khám tăng cao đáng kể nhưng lại bình thường thậm chí thấp khi đo tại nhà.

- Các tình huống tăng huyết áp ẩn giấu hay gặp: Huyết áp tại phòng khám bình thường nhưng lại cao khi đo ở nhà.

- Hạ huyết áp tư thế hoặc hạ huyết áp sau ăn.

- Đánh giá kiểm soát huyết áp, đặc biệt ở người bệnh nguy cơ cao đã được điều trị THA.

- Chỉ định đặc hiệu cho huyết áp lưu động hơn huyết áp tại nhà: Đánh giá trị số huyết áp ban đêm và tình trạng trũng (ví dụ như nghi ngờ tăng huyết áp về đêm, như hội chứng ngưng thở khi ngủ, suy thận mạn, đái tháo đường, tăng huyết áp nội tiết hoặc rối loạn hệ thần kinh thực vật).

Thiết bị holter huyết áp.

*Đánh giá kết quả holter huyết áp:

- Dựa trên các chỉ số: huyết áp tâm thu và tâm trương trung bình 24 giờ, ban ngày, ban đêm, trũng huyết áp, huyết áp buổi sáng. Kết quả holter huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp được đánh giá như Bảng 1.

- Trũng huyết áp: Ở người bình thường, huyết áp ban ngày thường cao hơn ban đêm, sau 06 giờ sáng, huyết áp bắt đầu tăng cho đến giữa trưa, sau đó giảm chút ít rồi tăng từ 15 giờ đến 18 giờ và tiếp tục giảm dần, thấp nhất là vào lúc 03 giờ đến 04 giờ sáng. Các trường hợp có thể gặp bao gồm:

  • Không có trũng huyết áp: Trạng thái hạ huyết áp trung bình ban đêm < 10% so với huyết áp trung bình ban ngày.
  • Trũng huyết áp: Trạng thái hạ huyết áp trung bình ban đêm từ 10% - 20% so với huyết áp trung bình ban ngày.
  • Quá trũng huyết áp: Trạng thái hạ huyết áp trung bình ban đêm > 20% so với huyết áp trung bình ban ngày.
  • Trũng huyết áp đảo ngược: Trạng thái huyết áp trung bình ban đêm cao hơn so với huyết áp trung bình ban ngày.

Bệnh nhân đeo thiết bị holter huyết áp

- Các bất thường về trũng huyết áp gây tăng nguy cơ tổn thương cơ quan đích (tim, mạch, mắt, não, thận).

Holter huyết áp hiện đang là kỹ thuật được triển khai rộng rãi tại Bệnh viện Giao thông vận tải mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân trong chẩn đoán và điều trị bệnh THA. Quý bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân có thể liên hệ tại các phòng khám thuộc Khoa khám bệnh, phòng khám Nội Tim mạch (phòng 220 – nhà M) để đeo máy nhằm phục vụ chẩn đoán và theo dõi điều trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Tăng huyết áp, Bộ Y tế (2019).
  2. Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị Tăng huyết áp, Hội Tim mạch học Việt Nam (2022).

BS. Lê Quang Hiếu – Khoa Nội tổng hợp 1

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận