logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

HỘI CHỨNG DRESS

    DRESS (Drug reation with eosinophilia and systemic symptoms) là phản ứng nghiêm trọng do thuốc, được đặc trưng bởi sốt, ban da, và tổn thương nhiều cơ quan nội tạng gồm hạch to, suy thận, viêm phổi, viêm tim, và bất thường các dòng tế bào máu (chủ yếu là tăng bạch cầu ái toan và lympho bào máu không điển hình). DRESS được mô tả lần đầu tiên bởi Chaiken và cộng sự năm 1950  với tên gọi “hội chứng quá mẫn do thuốc chống co giật”, biểu hiện tam chứng sốt, phát ban, tổn thương đa cơ quan xảy ra ở thời điểm 1 đến 8 tuần sau dùng thuốc chống co giật. Đây là một trong các loại hình phản ứng dị ứng thuốc nặng (SJS/TEN, DRESS/DIHS, AGEP,…), rất hiếm gặp, tỉ lệ mắc là 1,2 – 6 trường hợp trên 100 triệu người – năm. Trong đó, tỉ lệ mắc ở bệnh nhân dùng thuốc chống co giật hoặc Sulfonamides là 1:1000 đến 1:10000. Các triệu chứng lâm sàng xuất hiện muộn từ 3 – 8 tuần sau khi dùng thuốc. Tuy hiếm nhưng tỉ lệ mắc hội chứng DRESS ngày càng tăng. Nguyên nhân hay gặp là các thuốc chống co giật có nhân thơm (carbamazepine, phenytoin, phenobarbital), các thuốc nhóm Sulfonamide, ngoài ra còn gặp các thuốc khác như Allopurinol, các thuốc chống viêm non-steroid.

 Nằm trong chương trình sinh hoạt khoa học thường kỳ của Bệnh viện Giao Thông Vận Tải, chiều ngày 4 tháng 8 năm 2022 bác sỹ Phạm Thị Kiều Loan đã trình bày bài báo cáo khoa học “Chẩn đoán và điều trị hội chứng Dress”.

   Tham gia buổi sinh hoạt khoa học có TS. BS Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện và tập thể các y bác sỹ Bệnh viện Giao Thông Vận Tải.

   Trong bài báo cáo khoa học của mình, bác sỹ Phạm Thị Kiều Loan đã báo cáo hai ca lâm sàng được chẩn đoán hội chứng Dress được điều trị tại Bệnh viện. Cả hai ca lâm sàng này đều là phản ứng nghiêm trọng do thuốc (một bệnh nhân sau uống Allopurinol và một bệnh nhân sau uống thuốc nam) và có các triệu chứng điển hình là sốt, ban trên da toàn thân và suy thận. Cả hai bệnh nhân đều đã được hội chẩn các chuyên khoa để có chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời và có kết quả điều trị tốt.

   Bác sỹ Phạm Thị Kiều Loan đã trình bày các báo cáo cũng như các nghiên cứu cập nhật về hội chứng này. Đặc biệt bác sỹ Loan đã trình bày sâu về các nguyên nhân hay gặp gây ra hội chứng cũng như cơ chế bệnh sinh, tiêu chuẩn chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt và các biện pháp chăm sóc, điều trị, theo dõi bệnh.

   Trong nội dung kết luận, bác sỹ Phạm Thị Kiều Loan có nhấn mạnh hội chứng Dress  là một hội chứng tiến triển chậm, với bệnh cảnh sốt cao, tổn thương đa phủ tạng,  thường rất dễ chẩn đoán nhầm với nhiễm trùng huyết hoặc bội nhiễm các loại vi trùng ác tính như tụ cầu vàng. Bệnh có thể diễn tiến nặng dần và có thể đưa đến tử vong nếu không được điều trị sớm corticoide toàn thân.

   Phát biểu tổng kết sau  nội dung báo cáo, chủ trì buổi sinh hoạt khoa học TS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện đã cám ơn báo cáo viên đồng thời cũng đưa ra những kết luận quan trọng. Hội chứng Dress mặc dù hiếm gặp tuy nhiên có xu hướng ngày gặp càng nhiều bệnh nhân do các bệnh nhân dùng các thuốc điều trị bệnh gout, bệnh lý xương khớp, đái tháo đường. Việc khai thác tiền sử dị ứng với các thuốc là rất quan trọng với các bác sỹ trước khi kê đơn cho bệnh nhân bên cạnh đó việc khi gặp bệnh nhân có tổn thương da thì việc đánh giá tình trạng chung của bệnh nhân và các tổn tương tạng là rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận