logo

Bệnh viện giao thông vận tải

Sức khỏe của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi

“Đánh trống ngực” - triệu chứng lành tính hay dấu hiệu nguy hiểm???

Đánh trống ngực là một trong những phàn nàn phổ biến nhất của bệnh nhân đến khoa Cấp cứu và khi gặp các bác sỹ của mình. Trong một nghiên cứu, ước tính rằng 16% bệnh nhân đến gặp bác sĩ gia đình của họ phàn nàn về tình trạng đánh trống ngực [1].

1. “Đánh trống ngực’’ là gì?

“Đánh trống ngực” hay hồi hộp, trống ngực được định nghĩa là nhịp tim đập nhanh, nhịp tim đập nhanh bất thường hoặc không đều. Đánh trống ngực thường được mô tả là cảm giác tim bị bỏ nhịp, cảm giác tim nhanh rộn ràng ở lồng ngực, cảm giác đập thình thịch ở ngực và cổ hoặc cảm giác đột ngột bị hẫng trong ngực. Đánh trống ngực không đặc hiệu và có thể là chỉ là triệu chứng của bệnh hoặc cũng có thể là một bệnh lý tim mạch cụ thể.

Biểu hiện lâm sàng của đánh trống ngực được chia thành bốn nhóm thường gặp: ngoại tâm thu, nhịp tim nhanh, các tình trạng rối loạn nhịp cấp tính dữ dội và các tình trạng liên quan đến căng thẳng, lo lắng. Trong đó liên quan đến căng thẳng, lo lắng là phổ biến nhất [2].

Đánh trống ngực có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và trong một số trường hợp nguyên nhân không thể xác định được. Mặc dù nguyên nhân gây ra tình trạng đánh trống ngực thường là lành tính, nhưng chúng có thể là dấu hiệu của tình trạng đe dọa tính mạng. Trong một nghiên cứu báo cáo về nguyên nhân gây đánh trống ngực, 43% được phát hiện là do nguyên nhân tim, 31% do nguyên nhân tâm thần và khoảng 10% được phân loại là hỗn hợp (do thuốc, cường giáp, caffeine, cocaine, thiếu máu, amphetamine, tăng tế bào mast). [1]

2. Một số nguyên nhân thường gây ra hồi hộp, đánh trống ngực

Đánh trống ngực có thể xảy ra trong khi tập thể dục hoặc trong thời gian căng thẳng (stress) do dư thừa catecholamine. Nguyên nhân gây ra hồi hộp, đánh trống ngực trong những tình trạng này thường là nhịp tim nhanh trên thất kéo dài. Đánh trống ngực thứ phát do dư thừa catecholamine cũng có thể xảy ra tình trạng trụy tuần hoàn (sốc) với các cơn tim nhanh thất, đặc biệt là ở những bệnh nhân mắc hội chứng QT dài [1] [5].

Nhiều tình trạng tâm thần có thể dẫn đến hồi hộp, đánh trống ngực bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu tổng quát, các cơn hoảng loạn và rối loạn dạng cơ thể (histeria). Tuy nhiên, một nghiên cứu đã lưu ý rằng có tới 67% bệnh nhân được chẩn đoán mắc tình trạng sức khỏe tâm thần có chứng loạn nhịp tim tiềm ẩn [1] [3] [5].

Các loại thuốc có khả năng gây ra chứng hồi hộp, đánh trống ngực bao gồm: thuốc cường giao cảm, thuốc kháng cholinergic, thuốc giãn mạch và có thể là khi dừng đột ngột thuốc chẹn beta.

Các nguyên nhân phổ biến cũng bao gồm việc sử dụng quá nhiều caffeine hoặc cần sa. Sử dụng ma túy như cocaine, amphetamine, thuốc lắc hoặc ma túy tổng hợp cũng có thể gây ra chứng hồi hộp, đánh trống ngực [1] [4] [5].

Có nhiều tình trạng bệnh lý chuyển hóa có thể dẫn đến hồi hộp, đánh trống ngực bao gồm cường giáp, hạ đường huyết, hạ canxi máu, tăng kali máu, hạ kali máu, tăng magie máu, hạ magie máu và u tế bào ưa crôm. Cũng có thể gặp hồi hộp, đánh trống ngực ở một số trạng thái khác như mang thai, thiếu máu,... [1] [5].

Đặc biệt nguyên nhân bệnh lý tim mạch gây hồi hộp, đánh trống ngực có thể là nguyên nhân đe dọa tính mạng nhất. Bao gồm các rối loạn nhịp có nguồn từ thất (xoắn đỉnh, nhịp nhanh thất, rung thất và ngoại tâm thu thất), nguồn từ nhĩ (rung nhĩ, cuồng nhĩ, cơn tim nhanh nhĩ), bất thường về cấu trúc tim (bệnh tim bẩm sinh, phì đại cơ tim, phình động mạch chủ hoặc suy thất trái cấp tính) và các nguyên nhân khác (hội chứng nhịp nhanh tư thế đứng POTS, hội chứng Brugada, nhịp nhanh xoang không thích hợp, hội chứng WPW) [1] [5].

3. Làm sao để xác định chính xác triệu chứng đánh trống ngực và chẩn đoán nguyên nhân của nó?

Tiền sử bệnh đầy đủ và chi tiết cùng với khám sức khỏe là hai yếu tố thiết yếu trong quá trình đánh giá bệnh nhân bị hồi hộp, đánh trống ngực. Các biểu hiện chính của tiền sử bệnh chi tiết bao gồm tuổi khởi phát, mô tả các triệu chứng bao gồm nhịp tim, các tình huống thường dẫn đến các triệu chứng, phương thức khởi phát (nhanh hay dần dần), thời gian kéo dài các triệu chứng, các yếu tố làm giảm các triệu chứng (nghỉ ngơi, nghiệm pháp Valsalva), tư thế và các triệu chứng liên quan khác như đau ngực, choáng váng hoặc ngất xỉu. Bệnh nhân nên được hỏi về tất cả các loại thuốc, bao gồm cả thuốc không kê đơn, tiền sử xã hội, thói quen tập thể dục, tiêu thụ caffeine, rượu và sử dụng ma túy cũng nên được xác định. Ngoài ra, tiền sử bệnh lý và tiền sử gia đình có thể cung cấp các chỉ dẫn về nguyên nhân gây hồi hộp.

Trong thực tế, bệnh nhân hiếm khi bị hồi hộp khi các bác sĩ thăm khám cho họ, hay khi họ vào đến bệnh viện thì các triệu chứng cũng đã qua đi. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể tự đếm nhịp tim để giúp chứng minh những gì họ cảm thấy trước đây nếu hiện tại họ không gặp phải các triệu chứng. Việc này có thể sử dụng bằng các thiết bị theo dõi sẵn có hiện đại như điện thoại thông minh, hay đồng hồ thông minh có chức năng theo dõi sức khỏe và nhịp tim.

 Với phần lớn các bệnh nhân tới khám vì hồi hộp, đánh trống ngực cần phải tiến hành khám sức khỏe toàn diện bao gồm các dấu hiệu sinh tồn (đặc biệt dấu hiệu sinh tồn tư thế đứng), nghe tim phổi và khám các cơ quan khác. Tuy nhiên, để chẩn đoán nguyên nhân của bệnh, thông thường bệnh nhân cần làm các xét nghiệm, cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán. Một số xét nghiệm cần làm là:

- Điện tim, đặc biệt là Holter điện tim 24h: giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim một cách chính xác. Một số rối loạn nhịp tim rất khó có thể phát hiện ngay những lần làm điện tim tức thì tại phòng cấp cứu hay phòng khám, trong trường hợp này bệnh nhân cần được theo dõi 24 - 48 tiếng (hoặc lâu hơn) thông qua Holter điện tim để có được kết luận chính xác nhất và tránh bỏ sót bệnh.

- Xét nghiệm máu: các xét nghiệm máu giúp phát hiện bệnh lý chuyển hoá, nội tiết,… (VD như Basedow, thiếu máu,…) có thể gây ra tình trạng nhịp nhanh dẫn tới hồi hộp đánh trống ngực. Bệnh nhân cũng được làm các xét nghiệm men tim như NT-proBNP, Troponin I, Troponin T để phát hiện suy tim, hội chứng mạch vành cấp (là những bệnh lý tim mạch nghiêm trọng có thể cần tới sự can thiệp khẩn cấp để cứu sống bệnh nhân).

- Siêu âm tim: đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dễ làm nhưng hiệu quả cao, cung cấp cho các bác sĩ hình ảnh trực quan dể đánh giá các bệnh lý tim mạch như suy tim, bệnh van tim, các rối loạn nhịp tim nếu có.

- Nghiệm pháp gắng sức: với nguyên lý tạo ra “môi trường vận động gắng sức” có thể khiến bệnh nhân khởi phát hồi hộp đánh trống ngực và được ghi lại thông qua siêu âm tim, điện tim.

- Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác: cộng hưởng từ tim, MSCT,…

  1. Hướng xử trí và theo dõi tình sau khi xác định chính xác tình trạng đánh trống ngực như thế nào?

Những bệnh nhân đến khám không có triệu chứng, khám lâm sàng chưa phát hiện bất thường, điện tâm đồ tại thời điểm khám không có biểu hiện rối loạn nhịp tim, các xét nghiệm trong giới hạn bình thường có thể được gửi về nhà một cách an toàn và được hướng dẫn theo dõi với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ tim mạch của họ. Bệnh nhân có tình trạng hồi hộp liên quan đến ngất xỉu, loạn nhịp tim không kiểm soát được, rối loạn huyết động hoặc đau thắt ngực nên được nhập viện để đánh giá thêm. Việc xử lý và quản lý các bệnh nhân này được xác định bởi nguyên nhân cơ bản gây ra triệu chứng. Ví dụ như nghỉ ngơi, tâm lý liệu pháp, loại bỏ các tác nhân (thuốc, chất kích thích) hay điều trị bệnh lý nền (thiếu máu, cường giáp,....)

Với các bệnh lý tim mạch gây ra hồi hộp, đánh trống ngực, hiện nay tại các trung tâm tim mạch lớn kĩ thuật triệt đốt bằng sóng cao tần RF có thể chữa khỏi hầu hết các loại nhịp nhanh trên thất và nhiều loại nhịp nhanh thất [6]. Hiệu quả của triệt đốt bằng sóng cao tần có thiết lập bản đồ màu ngày càng chứng minh được hiệu quả kể cả với bệnh lý rung nhĩ, cuồng nhĩ.

Các trường hợp khó khăn nhất trong việc chẩn đoán xác định liên quan đến tình trạng hồi hộp, đánh trống ngực thứ phát có liên quan tới nhịp xoang bình thường hoặc liên quan đến ngoại tâm thu thất. Những tình trạng này được cho là lành tính và việc quản lý bao gồm việc trấn an bệnh nhân rằng những rối loạn nhịp tim này không đe dọa đến tính mạng. Ngoại tâm thu thất là phổ biến và thường lành tính. Tuy nhiên, các ngoại tâm thu thất có triệu chứng hoặc thường xuyên (> 10.000 NTT/T theo dõi điện tâm đồ 24 giờ hoặc > 10% tổng số nhịp) cần được điều trị. Có tới 1/3 số bệnh nhân có ngoại tâm thu thất thường xuyên gây ra bệnh cơ tim do ngoại tâm thu và làm rối loạn chức năng thất trái tiến triển. Liệu pháp điều trị đầu tay cho ngoại tâm thu thất có triệu chứng hoặc thường xuyên là thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi. Những bệnh nhân kháng trị liệu bằng thuốc hoặc bị rối loạn chức năng thất trái nên tiến hành triệt đốt bằng sóng cao tần RF và hầu hết bệnh nhân đều phục hồi tốt chức năng thất trái sau triệt đốt [6].

Tóm lại, “Đánh trống ngực’’ có thể là triệu chứng rất đáng lo ngại đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra đánh trống ngực ở hầu hết bệnh nhân là lành tính. Việc theo dõi bởi bác sỹ gia đình rất hữu ích để có thể giúp phát hiện và quản lý các triệu chứng theo thời gian và xác định xem có cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ tim mạch hay không. Những bệnh nhân được xác định có nguy cơ cao bị đánh trống ngực do nguyên nhân nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng cần được thăm khám kiểm tra toàn diện và quản lý chặt chẽ. Mức độ bằng chứng cho các kỹ thuật đánh giá để chẩn đoán dựa trên ý kiến ​​đồng thuận của chuyên gia [5]. Tuy nhiên khi đã được chẩn đoán và xác định được nguyên nhân, thì các khuyến nghị về phương pháp điều trị đã được chứng minh và khẳng định sự hiệu quả đặc biệt của phương pháp triệt đốt các loại rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần RF qua đường ống thông. 

Với với đội ngũ y bác sỹ giàu kinh nghiệm và được đào tạo chuyên khoa sâu về tim mạch và nhịp tim, cùng với đầy đủ các trang thiết bị và kĩ thuật, Bệnh viện Giao thông vận tải có thể xử trí cấp cứu các tình trạng đánh trống ngực nguy hiểm do bệnh lý tim mạch, đồng thời thăm khám toàn diện xác định nguyên nhân gây ra đánh trống ngực cho bệnh nhân. Trong trường hợp có chỉ định, bệnh nhân sẽ được chuyển BHYT hoặc giới thiệu đến cơ sở chuyên khoa để xem xét điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần RF qua đường ống thông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Weitz HH, Weinstock PJ. Approach to the patient with palpitations. Med Clin North Am. 1995 tháng 3; 79 (2):449-56.
  2. Pedrinazzi C, Durin O, Bonara D, Inama L, Inama G. [Epidemiology, classification and prognosis of palpitations]. G Ital Cardiol (Rome). 2010 Oct;11(10 Suppl 1):5S-8S
  3. Lessmeier TJ, Gamperling D, Johnson-Liddon V, Fromm BS, Steinman RT, Meissner MD, Lehmann MH. Unrecognized paroxysmal supraventricular tachycardia. Potential for misdiagnosis as panic disorder. Arch Intern Med. 1997 Mar 10;157(5):537-43.
  4. Diffley M, Armenian P, Gerona R, Reinhartz O, Avasarala K. Catecholaminergic polymorphic ventricular tachycardia found in an adolescent after a methylenedioxymethamphetamine and marijuana-induced cardiac arrest. Crit Care Med. 2012 Jul;40(7):2223-6.
  5. Wexler RK, Pleister A, Raman SV. Palpitations: Evaluation in the Primary Care Setting. Am Fam Physician. 2017 Dec 15;96(12):784-789.
  6. Ernst S. Catheter Ablation: General Principles and Advances. Card Electrophysiol Clin. 2017 Jun;9(2):311-317.
  7. Nội khoa cơ sở, Tập 1. Học viện Quân Y (2004).
  8. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch, Bộ Y Tế (2013).

BS. Lê Quang Hiếu – Khoa Nội Tổng hợp 1

ThS. BS. Phùng Đức Thúy – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận