Sáng 6.2, ghi nhận tại Khoa Nội hô hấp và các bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện Giao thông Vận tải hiện có khoảng 10 bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây, phần lớn sức khỏe ổn định. Theo các bác sĩ tại khoa, từ đầu năm 2025 đến nay, viện đã tiếp nhận trên 50 trường hợp bị cúm A. Với trường hợp nhẹ, bác sĩ kê đơn thuốc để bệnh nhân tự điều trị theo dõi tại nhà; đối với những trường hợp nặng, bệnh viện yêu cầu nhập viện để điều trị.
Theo các bác sĩ, bệnh cúm mặc dù có thể nhẹ nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh dễ gây viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân điều trị cúm A tại Bệnh viện Giao thông Vận tải. Ảnh: Minh Hạnh
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo - Phụ trách Khoa Nội hô hấp và các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Giao thông Vận tải - cho biết, bệnh cúm A có nhiều mức độ từ nhẹ, trung bình và đến nặng. Thông thường những ngày đầu bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, ho đờm, ngạt mũi, hắt hơi sổ mũi… Khi có biểu hiện tương tự, người dân cần đi khám ngay để làm xét nghiệm cúm A.
Cũng theo bác sĩ Thảo, hiện đã có thuốc kháng virus để điều trị virus cúm A, nhưng điều trị trong những ngày đầu mới có hiệu quả, nếu để đến ngày thứ 3 hoặc thứ 4 mới đi khám thì đã qua giai đoạn giờ vàng nên hiệu quả sử dụng thuốc không cao.
Nếu được khám phát hiện điều trị sớm, người dân giảm được tình trạng hắt hơi, sổ mũi và đau mỏi người, dẫn đến viêm phổi suy hô hấp. Khi bệnh nhân đã bị viêm phổi, suy hô hấp tổn thương phổi thì rất nặng, tiến triển nhanh khiến thuốc kháng virus chậm hơn. Có thể kể đến trường hợp bệnh nhân N.T.B 59 tuổi đang điều trị tại viện có bệnh nền sốt ho từ ngày 29 Tết, nhưng đến mùng 3 Tết mới nhập viện và phổi đã bị tổn thương.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Lệ Hà
“Khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng ho sốt là phải đi khám ngay đồng thời cần đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể cùng với đó nên tiêm phòng vào khoảng tháng 6, 7 và 8 khi virus cúm đã bùng phát, việc tiêm sẽ không mang lại hiệu quả cao”, bác sĩ Thảo khuyến cáo.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thủy - Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị) - cho biết, tại Bệnh viện Hữu nghị, chủ yếu bệnh nhân là người cao tuổi. Thời tiết thay đổi, ảnh hưởng đến đường hô hấp, do đó nhiều bệnh nhân mắc bệnh dẫn đến biến chứng viêm phổi.
Những bệnh nhân đã tiêm phòng cúm, nếu mắc bệnh, thường có triệu chứng nhẹ và hồi phục nhanh, ít gặp biến chứng nặng. Cũng theo bác sĩ Thủy, cúm A dễ lây nhiễm, nhưng cũng không quá lo lắng, khi có triệu chứng hãy đến bệnh viện thăm khám để nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên môn chứ không nên tự ý chữa và không chờ đến khi bệnh trở nặng mới đến bệnh viện.
Theo Báo Lao động.