Tạp chí Y học Romania (RMJ) đã không ngừng phát triển từ khi ra mắt vào năm 1950, khẳng định vị thế của mình là một nguồn tài liệu y học uy tín và chất lượng cao. Với việc được lập chỉ mục trên các cơ sở dữ liệu danh tiếng như DOAJ và Scopus, RMJ đã củng cố ảnh hưởng trong cộng đồng nghiên cứu y học toàn cầu. Theo SCImago 2023, RMJ đạt chỉ số SJR 0.110, phản ánh mức độ trích dẫn ổn định và là một nền tảng phù hợp cho các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyên sâu như bệnh truyền nhiễm, phẫu thuật và y học tổng quát. Để nâng cao tiêu chuẩn khoa học, tạp chí đặc biệt chú trọng cải thiện chất lượng các tài liệu được xuất bản. Một đội ngũ chuyên gia y khoa có uy tín trong lĩnh vực các bệnh truyền nhiễm tham gia vào quy trình đánh giá nghiêm ngặt, tuân thủ các quy tắc về đạo đức và chất lượng quốc tế trong giới học thuật.
Tạp chí Y học Romania (RMJ) xuất bản các bài viết tổng quan, bài nghiên cứu gốc, bài đánh giá, nghiên cứu lâm sàng, báo cáo và trình bày ca bệnh, v.v., về nhiều lĩnh vực y khoa và phẫu thuật – cập nhật các đánh giá và nghiên cứu mới nhất. Tạp chí được xuất bản với tần suất 4 số mỗi năm, cùng với các phụ bản, dưới cả hai hình thức bản in và bản điện tử.
Tháng 9/2024, bài báo dưới đây với sự tham gia của 02 tác giả công tác tại Bệnh viện Giao thông vận tải: TS. BS. Bùi Sỹ Tuấn Anh – Giám đốc Bệnh viện kiêm Giám đốc Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học; ThS. BS. Phạm Tuấn Việt - cán bộ Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đã được chọn đăng trên Tạp chí uy tín này.
Bệnh viện Giao thông vận tải trân trọng gửi tới Quý độc giả bản dịch sang tiếng Việt phần Tóm tắt (Abstract) và toàn văn bài báo đã được đăng bằng tiếng Anh.
Tóm tắt theo bài báo:
Đặt vấn đề: Việc hiến máu thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự hình thành các gốc tự do bằng cách điều hòa tích lũy sắt. Tuy nhiên, hiến máu thường xuyên có thể dẫn đến thiếu sắt mãn tính. Trong nghiên cứu này, chúng tôi nhắm đến việc đánh giá hiệu quả của việc bổ sung sắt hàng ngày như một biện pháp can thiệp để thúc đẩy phục hồi hemoglobin (Hb) ở những người hiến máu thường xuyên tại một bệnh viện ở Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành theo chiều dọc tại Khoa Huyết học của một bệnh viện ở Hà Nội từ tháng 2 đến tháng 7 năm 2023, với 104 người tham gia đủ tiêu chuẩn. Họ được bổ sung hàng ngày 100 mg sắt nguyên tố, 0,75 mg axit folic và 5 mg kẽm sulfat trong ít nhất 8 tuần. Các mẫu máu được thu thập tại ba thời điểm chính: trước khi hiến máu, ngay sau khi hiến máu, và ít nhất 8 tuần sau khi hiến máu.
Kết quả: Kết quả của chúng tôi cho thấy có mối tương quan thuận trung bình có ý nghĩa thống kê giữa việc bổ sung sắt nguyên tố và các thay đổi về số lượng tiểu cầu (PLT), thể tích hồng cầu (HCT), và lượng hemoglobin trung bình của hồng cầu (MCH) (r = 0,753, p < 0,001; r = 0,887, p < 0,001; và r = 0,703, p < 0,001). Ngoài ra, chúng tôi cũng ghi nhận mối tương quan yếu nhưng có ý nghĩa giữa việc bổ sung sắt nguyên tố và số lượng hồng cầu (RBC), thể tích trung bình hồng cầu (MCV), nồng độ hemoglobin trung bình hồng cầu (MCHC), hệ số biến thiên phân phối kích thước hồng cầu (RDWC) và độ lệch chuẩn phân phối kích thước hồng cầu (RDWS) (r = 0,260, p = 0,002; r = 0,302, p = 0,005; r = 0,160, p = 0,010; r = 0,120, p = 0,020; và r = 0,400, p < 0,001).
Kết luận: Trong khoảng thời gian 8 tuần, chế độ bổ sung sắt hàng ngày đã mang lại những cải thiện đáng kể về các chỉ số hồng cầu và các chỉ số về sắt, cho thấy tiềm năng ứng dụng lâm sàng của biện pháp này.
Toàn văn bài báo:"IRON SUPPLEMENTATION POST-BLOOD DONATION IN VIETNAM: IMPACT ON HEMOGLOBIN, RED CELL INDICES, AND IRON RESERVES" xem tại đây.